7 cựu chiến binh không phạm tội hủy hoại rừng?

Ngày 15-11, TAND tỉnh Đắk Nông đã quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm vụ bảy cựu chiến binh thôn 6, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông, bị truy tố về tội hủy hoại rừng. Lý do, người bào chữa cho các bị cáo là trợ giúp viên pháp lý của Sở Tư pháp tỉnh có đơn xin hoãn xử. Tòa ấn định ngày mở lại phiên xử là ngày 24-11.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh, các chuyên gia tiếp tục phân tích cho rằng hành vi của bảy cựu chiến binh này không cấu thành tội phạm.

Nhiều điểm chưa rõ

Theo luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn LS TP.HCM, cựu thẩm phán TAND Tối cao), Điều 3 Thông tư 34/2009 của Bộ NN&PTNT, quy định một đối tượng được xác định là rừng nếu đạt được cả ba tiêu chí sau:

Thứ nhất, là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ 5 m trở lên (trừ rừng mới trồng và một số loài cây rừng ngập mặn ven biển), tre nứa…, có khả năng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị trực tiếp và gián tiếp khác như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan. Thứ hai, độ tàn che của tán cây là thành phần chính của rừng phải từ 0,1 trở lên. Thứ ba, diện tích liền khoảnh tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20 m và có từ ba hàng cây trở lên…

Trong vụ này, rừng mà bảy cựu chiến binh dọn dẹp cây bụi là thuộc rừng sản xuất. Tại Điều 4 của thông tư 34 quy định rừng sản xuất là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường. Do đó, các cơ quan tố tụng phải xác định được UBND xã có quyết định giao cho Hội Cựu chiến binh diện tích đất là rừng không.

Cạnh đó, theo LS Vinh, bản án sơ thẩm không chỉ ra được mỗi bị cáo dọn dẹp cây bụi trên diện tích bao nhiêu, mà chỉ nói tổng cộng bảy bị cáo dọn 0,78 ha để làm căn cứ xử lý tội hủy hoại rừng là không ổn, gây bất lợi cho các bị cáo. Hơn nữa, căn cứ xác định thiệt hại do các bị cáo gây ra chưa rõ và cụ thể từng loại lâm sản trên diện tích do các bị cáo chặt đốt. Do có nhiều điểm chưa được làm rõ nhưng TAND thị xã Gia Nghĩa đã vội kết tội bảy cựu chiến binh là quá vội vàng.

Bảy cựu chiến binh trong vụ án. Ảnh: CTV

Chỉ đáng phạt hành chính

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) và LS Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh) đều cho rằng TAND thị xã Gia Nghĩa tuyên phạt bảy cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng là chưa phù hợp.

Bởi tại phiên tòa, các bị cáo và nhân chứng khai trước ngày các bị cáo dọn dẹp cây bụi vào tháng 1-2015 thì đã không còn rừng. Tòa đã không làm rõ nội dung này là thiếu sót, không khách quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ án khi xác định hành vi của các bị cáo có được xem là tội phạm hay không.

HĐXX cũng chưa đề cập đến nội dung xác minh của Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa vào tháng 3-2015 xác định 0,98 ha rừng (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại, đã thiệt hại 100%. Nếu thực tế không còn rừng thì không thể quy trách nhiệm cho các bị cáo hủy hoại 0,78 ha.

Theo LS Trạch, khoản 1 Điều 189 BLHS quy định: Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt... Bảy bị cáo đều chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng nên không thuộc trường hợp này.

Mặt khác, theo hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, gây hậu quả nghiêm trọng trong tội hủy hoại rừng là đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013, đối với loại rừng sản xuất, hành vi chặt phá cây rừng từ trên 3.000 đến 5.000 m2 không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng.

Như vậy, giả sử nếu cơ quan tố tụng có chứng minh được các bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong hai ngày tháng 1-2015 đi chăng nữa, thì cũng chỉ có thể xử phạt hành chính họ với số tiền 30-50 triệu đồng theo quy định trên. Hành vi hủy hoại 0,4 ha rừng sản xuất của các bị cáo không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng trong tội hủy hoại rừng. Từ đó LS Trạch cho rằng tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ để tuyên các bị cáo không phạm tội.

Hai lần bị kết án tù

Như đã thông tin, tại cuộc họp tháng 1-2015, Chi hội Cựu chiến binh thôn 6 đã thống nhất phát dọn rừng để lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Trong hai ngày, bảy cựu chiến binh đã chặt những cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha, sau đó chặt dọn tiếp 0,38 ha (thiệt hại hơn 42 triệu đồng).

Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt bảy bị cáo 6-7 tháng tù về tội hủy hoại rừng. Bảy bị cáo kháng cáo kêu oan. TAND tỉnh xử phúc thẩm hủy án. Tại tòa, đại diện VKS tỉnh đề nghị hủy án vì cho rằng tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Đến tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, tòa vẫn kết luận bảy bị cáo đã hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm