5 cựu cán bộ ở Quảng Nam lãnh án

Ngày 1-11, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên án vụ vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xảy ra tại dự án khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Xây dựng trái phép vẫn được bồi thường

HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thương, cựu giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) thị xã Điện Bàn, một năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khu vực thuộc dự án khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương.
Ảnh: TN

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Ngọc Đãi, Lê Tự Trung (cùng là cựu cán bộ TTPTQĐ thị xã Điện Bàn), Trần Việt Hùng (cựu cán bộ Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn) mỗi bị cáo 30 tháng tù, Đinh Hùng Liên (cựu chủ tịch UBND phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) hai năm tù về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo cáo trạng, ngày 3-11-2015, TTPTQĐ thị xã Điện Bàn tổ chức cuộc họp với các hộ dân về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bị cáo Đãi, Trung yêu cầu các chủ trại nuôi tôm cung cấp hợp đồng thuê đất để làm căn cứ pháp lý cho việc lập phương án bồi thường.

Do hầu hết trại nuôi tôm cũ có hợp đồng thuê đất đã hết thời hạn nên các chủ hộ đã tới UBND phường Điện Dương xin ký gia hạn hợp đồng cũ để đảm bảo thủ tục hồ sơ bồi thường và được ông Liên thống nhất.

Riêng hai trại tôm xây mới của ông Văn Đức Thắng (con ông Văn Đức Liễu) và ông Lê Thanh Sáu không có hợp đồng cho thuê mặt bằng của UBND phường Điện Dương. Tại thời điểm kiểm kê, hai ông này đã đến UBND phường xin ký hợp đồng thuê đất và cũng được ông Liên đồng ý.

Qua xác minh, ông Liễu mở rộng xây dựng trại tôm vào năm 2012, ông Sáu xây dựng vào đầu năm 2015. Mặc dù tài sản được xây dựng trước khi có thông báo thu hồi đất nhưng không làm hợp đồng nên được xác định là tài sản xây dựng trái phép, các trại tôm này không được bồi thường.

Ngoài ra, năm 2014, bà Phan Thị Hoài Tâm xin thuê đất để xây dựng trại nuôi tôm và được đồng ý. Cơ quan chức năng xác định thời điểm này đã công bố quy hoạch sử dụng đất nhưng chưa có thông báo thu hồi. Theo quy định, trại tôm của bà Tâm chỉ được hỗ trợ áp giá bồi thường tối đa 60%, với điều kiện phải có ý kiến thống nhất của UBND thị xã Điện Bàn. Tuy nhiên, bị cáo Đãi và Trung không xin ý kiến UBND thị xã mà áp giá bồi thường mức 100%.

Gây thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng

Sau khi lập phương án bồi thường, bị cáo Đãi đưa cho Trung kiểm tra, ký xác nhận và trình cho ông Thương. Ông Thương không kiểm tra tính pháp lý hợp đồng, ký tờ trình đề nghị hội đồng thẩm định phương án bồi thường thị xã thẩm định.

Bị cáo Hùng trực tiếp thẩm định, kiểm tra tính pháp lý hợp đồng thuê đất của các hộ dân. Đối với hợp đồng của ông Sáu và ông Liễu, Hùng chỉ căn cứ vào chi tiết hợp đồng còn hiệu lực để chấp nhận mức giá trị bồi thường 100%. Còn trại tôm của bà Tâm, Hùng chấp nhận mức bồi thường 100% bất chấp việc hồ sơ pháp lý không đủ điều kiện.

Ông Lê Văn Cảm (Chủ tịch Hội đồng thẩm định) không kiểm tra cụ thể đã ký báo cáo thẩm định trình UBND thị xã Điện Bàn và được phê duyệt phương án bồi thường. Việc bồi thường này được cơ quan điều tra xác định gây thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng.

HĐXX cho rằng quá trình điều tra, xét xử, các bị cáo có thái độ ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Ngoài ra, quá trình công tác các bị cáo đã có nhiều thành tích tốt, gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng nên được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đồng thời, các bị cáo cũng đã hợp tác để khắc phục hậu quả. Từ đó, HĐXX đã tuyên án như trên.

Đình chỉ một bị can

Đối với ông Lê Văn Cảm, quá trình điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Cảm có động cơ, mục đích vụ lợi hay động cơ cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm. Bị can khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải và tự nguyện khắc phục thiệt hại số tiền 150 triệu đồng... Từ đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, đình chỉ điều ra bị can đối với ông Cảm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm