3 ngân hàng nói không hoàn trả 6.000 tỉ cho VNCB

Ngày 26-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục tranh luận. Sau phần bào chữa cho các bị cáo, HĐXX đã mời các NH liên quan đại án lên trình bày ý kiến. Đại diện NH VNCB cho biết đã cung cấp đầy đủ, kịp thời toàn bộ hồ sơ NH và đề nghị HĐXX xem xét nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật.

Sacombank xin giảm án cho ông Trầm Bê

Trong khi đại diện NH Sacombank cho rằng việc đại diện VKS đề nghị ba NH Sacombank, TPBank và BIDV phải trả 6.126 tỉ đồng cho VNCB là không đúng. Chung quan điểm này, đại diện NH TPBank cũng cho rằng họ không chịu thiệt hại với việc do VNCB gây ra. Theo đại diện hai NH, họ không làm sai nên không có trách nhiệm phải hoàn trả.

Đại diện Sacombank xin tòa giảm án cho bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang để các bị cáo nhanh được trở về đoàn tụ với gia đình với lý do vô tình vi phạm. Luật sư (LS) bảo vệ cho Sacombank thì lặp đi lặp lại câu nói: VNCB đòi tiền thì Nhà nước được hưởng, còn hàng ngàn cổ đông Sacombank phải chịu. LS cũng dẫn các nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp cho rằng mọi thành phần kinh tế có quyền lợi như nhau, đề nghị HĐXX xem xét.

Đại diện BIDV tại tòa cũng không đồng tình việc NH phải liên đới hoàn trả hơn 6.000 tỉ đồng cho VNCB. Người này đưa ra tám quan điểm cho lập luận của mình. Cụ thể, việc này không phù hợp với nguyên tắc chịu trách nhiệm trong vụ án hình sự. Đây là vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng.

Do vậy, thiệt hại nếu có là do VNCB phải chịu chứ không thể buộc các NH khác phải chịu. Điều này chẳng khác gì đánh bùn sang ao vì thiệt hại là của VNCB, là mối quan hệ giữa VNCB với 12 công ty chứ không liên quan BIDV. BIDV đã thực hiện đúng trong việc cho vay và thu nợ nên không có trách nhiệm với VNCB. Do đó, nếu xác định VNCB bị thiệt hại thì phải yêu cầu Phạm Công Danh và các bị cáo liên quan bồi hoàn.

Theo LS của BIDV, việc thu hồi nợ của BIDV đã được kiểm toán xác nhận là đúng. Từ năm 2014 tới nay, VNCB không có ý kiến hay khởi kiện gì về vấn đề thiệt hại trên. Vì vậy, đề nghị của VKS có cơ sở pháp lý không phù hợp, gây hậu quả đối với ngành NH, đề nghị HĐXX xem lại vấn đề này.

Đại diện Ngân hàng Sacombank tại tòa xin giảm án cho bị cáo Trầm Bê. Ảnh: QUỐC VŨ

Những người liên quan nói gì?

Khi HĐXX hỏi về vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự trong vụ án thì những người được xác định là liên quan đều không đồng ý với ý kiến của đại diện VKS và các bị cáo.

Cụ thể, em trai Phạm Công Danh là ông Phạm Công Trung (đại diện Tập đoàn Thiên Thanh) xin HĐXX xem xét trả lại tập đoàn khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ để khắc phục hậu quả.

LS của bà Hứa Thị Phấn không đồng tình việc các LS của ông Danh và các bị cáo đề nghị thu hồi tiền ông Danh trả cho bà để khắc phục hậu quả vụ án. Theo LS, từ khi tòa bắt đầu xét xử, bà Phấn không được lấy lời khai nào liên quan đến khoản tiền có nguồn gốc từ các khoản ông Danh vay TPBank. Những người liên quan đến khoản tiền này cũng không được lấy lời khai. Bây giờ, do sức khỏe không đảm bảo thì bà Phấn không thể có lời khai được.

LS này phân tích: Mọi giao dịch giữa bà Phấn và ông Danh đã nằm trong đề án tái cơ cấu và hoạt động này đã hoàn thành thì không có cơ sở để nói bà Phấn liên quan đến các khoản tiền VNCB thất thoát. Toàn bộ tài sản đáng kể của bà Phấn đều nằm trong NH từ thời chuyển giao.

LS bảo vệ cho ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích (Công ty Tân Hiệp Phát) cho rằng không có lý do thu hồi khoản tiền ông Danh chuyển cho ông Thanh, bà Bích. Vì cả hai không nhận lãi ngoài và đã từng tranh luận trong giai đoạn xét xử 1. Đồng thời, tiền ông Thanh và bà Bích là tiền hợp pháp và đã sử dụng cho nhiều mục đích khác, không còn cơ sở để thu hồi.

Bị cáo Hoàng Long Hà kêu oan

Tại tòa, Hoàng Long Hà, nguyên phó giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định (cũ), nói: “Bị cáo không đủ tư cách để tham gia “cuộc chơi” quá lớn như cáo buộc. Theo bị cáo, quy định tại Điều 126 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 cũng chưa rõ ràng để nói rằng bị cáo sai sót. Bị cáo tuân thủ quy định của pháp luật, sai sót nếu có thì đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp trong quá trình làm việc”.

Trước đó, LS bào chữa cho bị cáo Hà nói dù mức án VKS đưa ra chỉ là ba năm án treo nhưng các luận điểm luận tội của VKS chưa đầy đủ, chưa có căn cứ. Vì ông Hà không chủ động tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến khoản vay của Công ty Phong Hiệp. Trong hồ sơ xin vay vốn tại BIDV của công ty này thì đủ điều kiện về cấp tín dụng, được VNCB bảo đảm cho khoản vay. BIDV Chi nhánh Gia Định thực hiện theo chủ trương từ hội sở BIDV giới thiệu xuống.

Theo LS, cáo trạng cho rằng Hà biết rõ VNCB bảo lãnh cho bị cáo Trần Hiệp là thành viên HĐQT VNCB vay tiền là không đúng. Lúc sự việc xảy ra thì VNCB không phải công ty đại chúng, không phải NH niêm yết… nên VNCB không công bố thông tin về các thành viên HĐQT. Vì thế, không có cơ sở chứng minh rằng bị cáo Hà biết Trần Hiệp vừa là giám đốc Công ty Phong Hiệp vừa là thành viên HĐQT của VNCB.

Các kiểm tra sau đó của NH Nhà nước cũng không phát hiện được vai trò của ông Trần Hiệp tại Công ty Phong Hiệp và VNCB. Ngoài ra, không có bằng chứng chứng minh BIDV Chi nhánh Gia Định có liên hệ, bàn thảo gì với nhóm ông Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương… Từ đó LS cho rằng bị cáo Hà không làm sai, mong HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội cố ý làm trái.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm