2 người thoát tội dù khai báo gian dối

Mới đây, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cao Nhân (sinh năm 1993, ngụ Bến Tre) sáu năm tù về tội cướp tài sản. Theo cáo trạng, Nhân đã có hành vi cướp một xe máy. Vụ án này đặc biệt ở chỗ vật chứng là xe máy đã bị tráo đổi và người bị hại cũng bị thay đổi.

VKS hủy bỏ quyết định khởi tố

Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng sau khi điều tra lại, có đủ cơ sở để xác định có sự việc tráo đổi xe máy và thay đổi người bị hại. Đây là hậu quả của việc khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật do hai người liên quan đến vụ án thực hiện.

Đó là Lê Thanh Tửng, người đứng tên trên giấy chứng nhận xe máy (được xác định là người liên quan) và Phạm Tuấn Kiệt (người dắt bị cáo Nhân đi coi xe, được xác định là người bị hại).

Từ đó, ngày 12-8-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật theo Điều 307 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (thời điểm xảy ra sự việc còn áp dụng BLHS 1999).

Tuy nhiên, VKSND TP.HCM cho rằng quyết định khởi tố vụ án nêu trên của cơ quan điều tra (CQĐT) là không có căn cứ và trái pháp luật. Bởi hai nghi can Lê Thanh Tửng và Phạm Tuấn Kiệt không phải là chủ thể của tội phạm này nên hành vi của họ không cấu thành tội phạm. Do đó, ngày 30-9-2019, VKSND TP.HCM ban hành quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án của CQĐT.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có thể vì mua bán xe không có giấy tờ nên các đối tượng tráo đổi vật chứng của vụ án thì phải bị xử lý. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hình sự chưa thể xử lý hai đối tượng này về hành vi khai báo gian dối nên VKS chỉ đề nghị công an xử phạt hành chính.

Bị cáo Nguyễn Cao Nhân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: YẾN CHÂU

Người liên quan, người bị hại thoát

Pháp luật hiện hành quy định các chủ thể nào có thể bị khởi tố về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật?

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng so với Điều 307 BLHS 1999 thì BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã mở rộng chủ thể của tội phạm này từ ba lên sáu.

Cụ thể, Điều 382 BLHS 2015 quy định: Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Trong khi Điều 307 BLHS 1999 chỉ quy định ba chủ thể là người làm chứng, người giám định và người phiên dịch trong vụ án.

Như vậy, theo quy định của cả BLHS cũ hay BLHS hiện hành thì việc hai đối tượng Lê Thanh Tửng và Phạm Tuấn Kiệt trong vụ án nêu trên đều không phải là chủ thể của tội này. Họ được xác định là người liên quan và người bị hại trong vụ án cướp tài sản nên việc VKS hủy quyết định khởi tố vụ án khai báo gian dối là phù hợp.

Nên mở rộng thêm chủ thể?

BLHS 2015 đã mở rộng chủ thể của tội khai báo gian dối lên sáu loại đối tượng (người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và người bào chữa) nhưng vẫn chưa đủ.

Bởi vì thực tế xử lý các vụ án phát sinh nhiều chủ thể có hành vi khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu đã được ngụy tạo, không đúng với sự thật, ngoài sáu chủ thể nêu trên thực hiện. Chẳng hạn hành vi của hai đối tượng Tửng và Kiệt trong vụ án trên được xác định là phạm tội rõ nhưng do vướng quy định nên không thể xử lý. Hậu quả là việc điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tố tụng gặp khó khăn, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án hoặc dẫn đến nhiều tình tiết sai lệch.

Do đó, nên bổ sung các thành phần khác tham gia vụ án như người liên quan, người bị hại… là chủ thể của loại tội danh này. Thậm chí luật nên quy định tất cả đối tượng tham gia trong vụ án nếu khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật đều là chủ thể của tội khai báo gian dối.

Một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm