1.346 ngày tù oan và 5 phút xin lỗi

9 giờ sáng 11-8, VKSND TP.HCM đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai cho ông Trương Bá Nhàn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM - nơi ông Nhàn từng cư trú khi bị bắt oan. Tuy nhiên, buổi xin lỗi diễn ra chóng vánh khiến những người đến tham dự không khỏi hụt hẫng.

5 phút xin lỗi

Bắt đầu buổi xin lỗi, một kiểm sát viên của VKSND TP.HCM đứng lên giới thiệu nội dung buổi công khai xin lỗi và thành phần tham dự (gồm có phó chủ tịch UBND phường 13, đại diện VKSND TP.HCM, ông Trương Bá Nhàn và người thân của ông cùng người dân). Lời giới thiệu này dài đúng 1 phút 40 giây.

Sau đó, ông Trần Kiến Xương - Chánh văn phòng VKSND TP - đứng lên đọc bản xin lỗi ông Nhàn. Nội dung chính của lời xin lỗi này: “… Tôi đại diện VKSND TP.HCM xin lỗi ông và gia đình về những tổn thất mà ông và gia đình đã gánh chịu do bị oan. Chúng tôi đã bồi thường đầy đủ cho ông theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Một lần nữa chúng tôi xin lỗi ông…”. Lời xin lỗi này dài đúng 1 phút 40 giây.

Ngay sau khi đọc xong, ông Xương xuống bắt tay ông Nhàn, luật sư và gia đình ông Nhàn và giao giấy chuyển khoản tiền bồi thường (kéo dài khoảng 1 phút) và… ra về. Buổi xin lỗi kết thúc. Tổng cộng thời gian từ lúc VKS đứng ra công bố lý do buổi xin lỗi cho tới lúc viện ra về là khoảng 5 phút.

Ông Nhàn cho biết ông khá bất ngờ vì sự chóng vánh, chớp nhoáng này. “Tôi chưa kịp nói gì thì các ông ấy đi mất rồi. Họ không hề mời tôi lên phát biểu, thậm chí không hỏi xem tôi tha thứ, bỏ qua lỗi lầm của họ hay không. Tôi muốn được kể về những tháng ngày cơ cực, sống không bằng chết mà mình đã trải qua cho bà con, cho gia đình tôi và vợ con tôi được biết. Tôi muốn đại diện VKS lắng nghe những điều đó để tự vấn lương tâm, trách nhiệm của mình, để không còn làm oan, gây khổ đau cho người vô tội nữa…” - ông Nhàn bức xúc.

Sau khi đọc lời xin lỗi, ông Trần Kiến Xương - Chánh văn phòng VKSND TP.HCM đến bắt tay ông Trương Bá Nhàn rồi ra về. Ảnh: HOÀNG GIANG

Và 14 năm oan trái

Sau buổi xin lỗi, ông Nhàn nấn ná mãi như muốn chia sẻ, giãi bày nỗi oan khuất mà mình phải gánh chịu suốt gần 14 năm trời.

Năm 2001, một phụ nữ ở đường Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM được phát hiện chết trên nền nhà, đồ đạc trong nhà ngổn ngang. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Trương Bá Nhàn (bà con bạn dì của chồng nạn nhân).

Ngoài ra, số vàng mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà ông gần bằng số vàng mà chồng nạn nhân khai bị mất. Chiều tối 2-1-2002, trở về nhà sau buổi đi chơi câu cá, ông Nhàn bất ngờ bị mời đến phường và bị đọc lệnh bắt tại đây rồi đưa về khám nhà. Rồi ông bị khởi tố, bắt giam về tội giết người, cướp tài sản. Ông liên tục kêu oan ngay từ đầu và trình bày rằng trước ngày xảy ra chuyện, ông có đến nhà nạn nhân chơi và được nhờ kê lại cái tủ nên còn lưu dấu vân tay ở đó. Số vàng thu ở nhà ông là do mẹ vợ ông bán đất và gửi giữ, ông vừa kể cho chồng nạn nhân nghe trước đó không lâu. Mẹ vợ ông cũng khai vậy. Người mua đất cũng khai như vậy.

May sao trên miếng vàng còn chữ ký của người mua đất. Vậy là chứng cứ kết tội ông gần như bị phá sản. Ấy thế nhưng mãi đến năm 2006 ông Nhàn mới được tại ngoại rồi được đình chỉ điều tra sau 1.346 ngày tạm giam. Kể từ đó, ông Nhàn phải trải qua hành trình gần chục năm khiếu nại mới được VKSND TP.HCM thừa nhận làm oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Vỡ tan mái ấm gia đình

“Lúc mới ra khỏi trại giam Chí Hòa, tôi ngơ ngác như trẻ chập chững vào đời. Rồi tôi nhớ ra mình có một gia đình, người vợ trẻ và đứa con thơ mà khi tôi bị bắt nó vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Tôi vội vã trở về gặp vợ, gặp con. Phố xá đổi thay, chốn xưa người thân không còn vì nhà đã giải tỏa. Khi tôi tìm được thì mọi thứ đã không còn như thuở ban đầu: Vợ chồng tôi không thể đoàn tụ…” - ông Nhàn bùi ngùi kể.

Ông Nhàn nói lúc ông bị giam giữ, cha mẹ ông đã bán hết nhà cửa, đất đai để lo lắng cho con. “Ngày trở về, tôi chỉ còn con số không tròn trĩnh”. Vài năm sau thì cha ông chết khi con mình chưa được minh oan. Ông từng có trang trại, vườn tược. Nhưng sau khi ra tù thì ông thành kẻ trắng tay. Gia đình ly tan, chốn dung thân không có, ông phiêu bạt làm thuê khắp nơi, từ Bình Phước đến Đắk Nông, Đắk Lắk.

“Cũng may khi rời khỏi Trại tạm giam Chí Hòa, đang đi bộ trên đường Hòa Hưng (quận 10) thì tôi nhìn thấy bảng hiệu Văn phòng Luật sư Người Nghèo. Thế là tôi tấp vào. Từ đó, tôi được các luật sư giúp đỡ để đòi công lý cho đến tận hôm nay” - ông Nhàn nói.

“Tôi từng có một gia đình êm ấm, vợ chồng sớm tối bên nhau, cùng mơ giấc mơ con cái ngoan ngoãn, học hành tới nơi tới chốn. Nhưng biến cố tù oan đã khiến tôi mất gần như tất cả. Hôm nay gặp con, thằng bé lớp 8 nhìn tôi bỡ ngỡ. Nhưng nó đã lớn khôn, đã biết vòng tay “thưa ba” chứ không như trước đây gọi tôi là chú… Tôi muốn cơ quan tố tụng thấy rõ cảnh này để đừng mang họa đến cho người vô tội nữa…” - ông Nhàn khóc.

Vợ xưa cũng có mặt tại buổi xin lỗi

Mỗi lần về TP.HCM khiếu nại oan, ông Trương Bá Nhàn bồn chồn trong lòng bởi biết vợ con đang ở đâu đó trong TP này. Nhưng lòng mặc cảm đã níu chân ông lại. Riết rồi ông chỉ còn biết mong con được nên người, mẹ nó được yên ấm. “Còn tôi, thân mình lo chưa xong, nào dám đèo bồng” - ông nói.

Có mặt tại buổi lễ, bà Q. (mẹ của con ông Nhàn) nói khi ông Nhàn bị bắt bà vô cùng đau đớn và tủi nhục do bị khinh rẻ, gièm pha. “Tôi mang bụng bầu tới lui trại Chí Hòa thăm chồng và mang đơn đi cầu cứu khắp nơi. Ngày tết tôi thường trốn sau nhà, không dám gặp ai vì xấu hổ. Hôm nay ông ấy được xin lỗi, tôi cũng thấy an lòng. Nỗi đau đó đã tạm lắng” - bà Q. chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm