Cổ tích tình yêu

Một chuyện tình đẹp như cổ tích đã đến với cuộc đời anh Nguyễn Văn Hùng.

Tình yêu khập khiễng

Nét mặt anh Hùng tươi tắn, lạc quan dù cơ thể khiếm khuyết.

“Cô tiên” viết nên chuyện tình đẹp đó là chị Đỗ Thị Thủy, gốc gác ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp ở phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, giờ đã ăm ắp tiếng cười đùa của hai đứa con, một trai một gái ngoan ngoãn và xinh xắn. Chị Thủy ôm cậu con trai vào lòng, còn cô con gái cứ quyến luyến mãi bên bố mình đang ngồi bất động, tấm thân vừa vặn trên chiếc ghế xoay, cử động nhọc nhằn.

Kể lại về thuở ban đầu quen biết, chị Thủy ngượng ngùng cất tiếng: “Có gì đâu anh, duyên số gặp nhau, thích nhau rồi lấy nhau thôi mà”. Nhưng anh Hùng cắt ngang lời vợ: “Làm gì đơn giản thế, có lúc chúng tôi còn tưởng không lấy được nhau. Gia đình cô ấy ngăn cấm dữ lắm, tìm cách phân ly chúng tôi”.

Chuyện tình của họ đúng là éo le. Trước đó, chị Thủy từ Bắc Giang theo người bà con về Thái Nguyên bán quán, còn anh Hùng đã trở thành một chàng trai tàn tật, suốt ngày ngồi thu lu một chỗ, bán mấy ly trà đá mưu sinh. Duyên số bắt đầu se duyên khi chị Thủy đến thuê nhà cùng chung khu trọ với anh Hùng. “Ban đầu tôi nhìn anh ấy với con mắt thương hại, một thân một mình cứ phải lê tấm thân cụt lũn từ nơi này sang nơi khác để lấy nước, pha trà…” - chị Thủy kể.

Những lúc rảnh rỗi chị tạt qua ngồi nhâm nhi cốc trà đá, tán chuyện với anh những mong hiểu thêm chàng trai đau khổ này. Từ sau khi bị cơn bạo bệnh đến lúc phải mang hình hài “thằng lùn”, anh Hùng khép mình lại với mọi người, ít trò chuyện, ít giao tiếp nhưng không hiểu sao khi gặp chị Thủy thì bao nhiêu tâm sự dồn nén bấy lâu cứ tuôn ra. Càng hiểu hơn về anh, chị Thủy càng thương cảm đối với một con người bất hạnh. Từ đó chị tự dặn mình, khi rảnh rỗi phải giúp anh cho bớt phần cơ cực.

sức khỏe và cử động nhọc nhằn nhưng anh Hùng không hề than vãn hay ỷ lại nơi sự giúp đỡ của người khác. Để lấy nước nấu, anh phải lê người ra bên giếng nước, sau đó lại nặng nhọc nhích chiếc gầu tràn nước lên từng tí một.

Anh Hùng hướng dẫn vi tính cho vợ.

Thật “kỳ lạ”, những ngày sau đó cứ nhằm lúc anh chuẩn bị ra múc nước thì bên giếng đã có một chiếc gầu đầy nước chờ sẵn. Cái sự kỳ lạ ấy kéo dài trong một thời gian dài, ban đầu anh Hùng còn nghĩ đó là một sự ngẫu nhiên, nhưng càng lâu anh càng có cớ để cho rằng ai đó đang cố tình giúp mình. Phảng phất một chuyện tình có dư vị cổ tích xưa… Một hôm anh Hùng cố tình đến múc nước sớm hơn thường nhật, tìm một chỗ khuất lấp. Cuối cùng “cô tiên” đó cũng lộ diện và không ai khác chính là chị Thủy, người mà anh rất có cảm tình nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện yêu đương.

“Vậy sau đó anh đã bắt đầu yêu chị chưa?” - tôi hỏi. Anh Hùng nét mặt không thay đổi, vẫn giọng đều đều: “Làm gì dám nghĩ đến chuyện yêu, tôi chỉ nghĩ cô ấy là người tốt, thấy tôi khổ nên giúp đỡ vậy thôi. Nghĩ thế thì càng tủi thân, càng thấy mình thân trai tráng mà bị người ta thương hại, nên khổ lắm anh ạ!”. Tôi quay về phía chị Thủy, lúc này đã cúi gằm mặt xuống. Chị Thủy trần tình: “Lúc đầu thì đúng là thương hại thôi đấy, rồi có yêu tí tí…”.

“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, hai người vẫn gặp nhau, vẫn vui vẻ trò chuyện và không ai muốn bộc lộ tình cảm của mình trước. Chị thì ngại câu “cọc đi tìm trâu”, anh thì luẩn quẩn nghĩ ngợi ai lại đi yêu người tàn tật như mình chứ.

Tết năm 2003 sau nhiều lần suy nghĩ, chị Thủy chấp nhận mình là… “cọc đi tìm trâu” bằng việc viết một lá thư tình, nhờ bà chủ nhà chuyển tới tay anh Hùng.

Trúc trắc đường duyên

Nhận được lá thư của chị Thủy, thế nhưng… thay cho cảm giác vui sướng hân hoan, anh Hùng lại gợn nghĩ: “Phải chăng cô ấy thấy mình tật nguyền thế này nên trêu đùa chăng?”. Nghĩ vậy, anh càng co ro, không tỏ bày.

Gia đình đầm ấm của vợ chồng Hùng - Thủy. 

Còn chị Thủy, tết năm đó khi trở về nhà, chị cũng bắt đầu hé lộ với bố mẹ về tình yêu đang lớn lên trong lòng, thậm chí chị còn coi đó là người chồng tương lai. Nghe con kể, bố mẹ chị ngay lập tức thăm dò tin tức để biết con người và gia thế của anh Hùng. Khi biết được, mọi người trong nhà đều ra sức can ngăn cuộc tình duyên khập khiễng này. Chị Thủy kể: “Bố tôi mắng sa sả, thiếu gì đứa tốt hơn mà đi yêu cái thằng lo thân mình còn không nổi thế kia? Tôi chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức, chẳng dám lời nào cãi lại”.

Ngày tết qua đi, bố mẹ chị nhanh chóng thu xếp để con gái vào Nam lập nghiệp, nhờ một người bà con quản thúc chặt chẽ, cắt đứt mọi liên lạc với Hùng.

Trong khi đó, từ sự tự ti ban đầu, anh Hùng bắt đầu nung nấu ý định đáp lại tình yêu, nhưng chờ đợi mãi vẫn không thấy chị Thủy quay trở lại. “Cảm giác của tôi lúc đó như người bị cướp đi hơi thở sự sống. Tôi tự an ủi bản thân, thôi thì cũng hy vọng cho người ta kiếm được một người tốt hơn mình để đỡ phải chịu khổ” - suy nghĩ là vậy nhưng anh vẫn không nguôi thương nhớ.

Ở trời Nam, dù bị theo sát trông chừng, chị Thủy cứ như người mộng du, lơ mơ suốt ngày. Một hôm, đợi lúc người cô lơ là, chị chạy đến một trạm điện thoại xin gọi nhờ về nhà chủ trọ ngày xưa để gặp anh Hùng nói chuyện. Lần đầu tiên sau bao ngày xa cách, họ nói với nhau những lời yêu thương, nhung nhớ.

Nhìn cháu gái cứ vương vất tình xưa, người cô liên lạc với bố mẹ chị Thủy, khuyên can không nên ngăn cấm tình duyên hai người nữa. Chị Thủy trở về quê, sau đó đến Thái Nguyên gặp anh.

Đám cưới của họ được tổ chức ngay sau đó. Tưởng là ngày vui, nhưng với chị Thủy không ngờ lại là một ngày u ám khó quên. Vì không muốn mình xuất hiện ở nhà gái để mọi người bàn tán về sự tàn tật của mình, anh Hùng chọn cách ở nhà, nhờ người thân lên Bắc Giang đón dâu. Đám cưới vắng mặt chú rể trôi qua nặng nề với những giọt nước mắt lã chã rơi trên gương mặt cô dâu...

Sóng gió rồi cũng qua đi, chuyện tình nhiều trắc trở ấy cuối cùng cũng có một cái kết đẹp. Họ giờ đã có với nhau hai mặt con đủ nếp đủ tẻ, quán Internet ở ngay mặt đường phường Thịnh Đán đủ cho gia đình anh chị có một cuộc sống bằng phẳng, không giàu sang nhưng no ấm. Điều quan trọng hơn, họ được sống bên nhau trong tổ ấm.

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm