Yến sào Việt muốn 'đường đường chính chính' vào Trung Quốc

Tại diễn đàn Nâng cao chất lượng yến sào Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường tổ chức ngày 26-3, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Việt Nam đã gửi văn bản cho phía cơ quan quản lý Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm yến sào sang nước này.
Theo ông Nam, lâu nay, yến sào Việt Nam vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mà chủ yếu nhập qua tiểu ngạch. Việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp yến sào trong nước tăng đầu ra tiêu thụ, tăng được giá trị sản phẩm.
Trao đổi với phía Việt Nam, ông Lạc Nghĩa Ninh, Phó chủ tịch Hiệp hội Y dược Vật chất Trung Quốc, thông tin Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% thị phần yến sào toàn cầu. Ngay cả các sản phẩm yến ở các thị trường phương Tây cũng nhằm phục vụ cho người gốc Á tại các nước này.
Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sản phẩm yến sào của người Trung Quốc không ngừng tăng trong những năm gần đây. Từ 3,1 tấn năm 2014 lên tới 81,4 tấn trong năm 2017, tăng 26 lần. Năm 2018, số lượng nhập khẩu tiếp tục tăng 56% so với năm 2017.
“Những năm gần đây, Trung Quốc rất coi trọng việc kiểm tra, kiểm dịch nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Hiện mới chỉ có yến sào Malaysia được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó hầu hết tổ yến Việt Nam vẫn được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua các kênh không chính thức, một khi chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sẽ tác động rất lớn đến ngành yến của cả hai nước.
Do đó bắt buộc hai nước phải ký nghị định thư giao dịch quốc gia cho các sản phẩm yến sào càng sớm càng tốt và thực hiện quy trình an toàn chất lượng có liên quan được quy định trong Nghị định thư. Chỉ có con đường chính ngạch mới mang lại lợi ích lâu dài cho ngành yến hai quốc gia”, ông Ninh chia sẻ.

Yến sào Việt Nam tìm đường xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. (Trong hình: Công nhân sơ chế yến sào)

Bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Yến sào Việt Nam Yến Quân, cho rằng các doanh nghiệp ngành yến Việt Nam cần liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phối hợp quản lý chất lượng yến sào từ nhà yến đến các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bà Quân cho hay, hiện Hiệp hội Trang Trại và Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT phổ biến yêu cầu thị trường tiêu thụ về tiêu chuẩn yến sào Việt Nam, xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng, trung tâm sơ chế yến sào Việt Nam. Đồng thời hiệp hội phối hợp với Bộ xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam, hỗ trợ các nhà yến Việt Nam sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết hiện nay, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở các nước Đông nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2018, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam khoảng 68 tấn, thị trường xuất khẩu là HongKong, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand.
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số hơn 8.300 nhà yến. Nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ, duyên hải miền trung.
Theo Cục Chăn nuôi, dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác các sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, 1.500 – 2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoàng 100-125 triệu USD/năm. Đây thực sự là ngành chăn nuôi quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm