Xuất khẩu gạo: Sửa cơ chế điều hành

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản trình Bộ Công thương đề nghị sửa đổi chính sách, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, VFA đề nghị chuyển giao việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang Bộ Công thương quản lý thay vì VFA thực hiện như hiện nay.

Sửa lại cơ chế điều hành

Kiến nghị nói trên được VFA gửi Bộ Công thương ngay sau khi hiệp hội này nhận được nhiều phản ánh từ phía các doanh nghiệp về việc VFA đã không công bằng trong điều hành xuất khẩu gạo, gây thiệt thòi cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân.

Theo văn bản của VFA, việc hướng dẫn giá gạo xuất khẩu cũng nên chuyển sang Bộ Tài chính hoặc Bộ Công thương. Đồng thời, VFA cũng đề nghị được sửa đổi một số quy định, điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đáp ứng: đăng ký ngành hàng, có kho dự trữ, có cơ sở chế biến, có vốn tối thiểu tương đương 5.000 tấn gạo. Để đảm bảo an ninh lương thực, VFA cũng đề nghị các bộ xin ý kiến Thủ tướng cho phép cấp vốn cho hai tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc dự trữ lưu thông thường xuyên 200.000-300.000 tấn gạo.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo (xin được giấu tên) cho biết không nên giao quyền điều hành đăng ký xuất khẩu gạo cho Bộ Công thương mà vẫn nên để cho VFA điều hành. Lý do, VFA là một hiệp hội chuyên ngành nên sẽ nắm sát giá, số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cơ chế điều hành xuất khẩu như thời gian qua vẫn còn chưa phù hợp và cần phải nhanh chóng thay đổi.

Tại hội nghị trực tuyến về xuất khẩu gạo diễn ra sáng qua (4-6), giải thích về việc nên hay không nên giao quyền điều hành cho Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên giải thích theo quy định khi gia nhập WTO, cơ quan nhà nước không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, sẽ vẫn giao cho hiệp hội thống nhất thực hiện điều hành xuất khẩu theo quy chế dưới sự hướng dẫn của Bộ. Điều này phù hợp luật pháp Việt Nam cũng như trên thế giới.

Theo ông Biên, ngay cả việc phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương, Việt Nam cũng không có cam kết và bảo lưu vấn đề này khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, chưa đến lúc phải chỉ định đầu mối cũng như phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương. Nếu phân bổ, các doanh nghiệp lại phải đăng ký chẳng khác gì xuất hiện tổ điều hành con ở các địa phương thì tình hình sẽ rối ren, khó quản lý.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác điều hành, trong đó có việc giao ban trực tuyến. Ông cũng đồng ý bổ sung thành phần vào tổ điều hành xuất khẩu gạo để trên cơ sở tình hình địa phương, chúng ta có thể điều hành trực tiếp với các địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi Nghị định 12 về điều hành xuất khẩu gạo để có cơ chế minh bạch, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, doanh nghiệp phá giá hợp đồng hàng triệu tấn hay trường hợp các DN “đi đêm” về giá thì cơ chế để xử lý thế nào... Hiệp hội Lương thực cũng phải nghiên cứu sửa đổi quy chế xuất khẩu gạo của các thành viên.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, lâu nay điều hành xuất khẩu gạo vẫn dựa trên cơ sở sản xuất thực tế. Chính phủ cũng chưa bao giờ hạn chế xuất khẩu gạo mà phụ thuộc vào năng lực thị trường, hệ thống bốc dỡ... từng giai đoạn để quyết định.

Tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo

Tại hội nghị trực tuyến về xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTNT cho biết ngoại trừ yếu tố bất lợi từ thiên tai, sâu bệnh, sản lượng lúa gạo toàn vùng năm nay có thể đạt 20,7 triệu tấn. Sau khi trừ đi cơ số dự trữ, giống, tiêu dùng trong nước, có thể để ra 10,4 triệu tấn để xuất khẩu (tương đương 5,2 triệu tấn gạo), chưa kể lượng tồn kho năm 2008.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết tính đến ngày 31-5, cả nước tồn kho 1,377 triệu tấn gạo. Các doanh nghiệp cũng đã mua vào hơn 3,5 triệu tấn, với tồn kho năm ngoái khoảng 800.000 tấn thì tổng cộng con số tồn kho lên tới 4,3 triệu tấn. Chưa kể số hợp đồng đã đăng ký còn khá nhiều.

Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong mạnh dạn đề xuất tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay lên sáu triệu tấn. Ý kiến này cũng được Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đồng tình và cho rằng con số 5,7-6 triệu tấn gạo xuất khẩu là hợp lý.

Tuy nhiên, ông Phong cảnh báo diễn biến thị trường gạo đang rất phức tạp, khó dự báo. Các nước xuất khẩu đang có xu hướng đẩy mạnh bán lượng tồn kho (Thái Lan khoảng 3,8 triệu tấn, Ấn Độ xấp xỉ một triệu tấn...). Tại thị trường châu Phi, nhu cầu lớn nhưng phía Việt Nam rất dè chừng bởi vẫn tồn kho 500.000 tấn gạo từ năm 2008 chuyển sang, giá hồi đó tận 580-600 USD/tấn. Thị trường Trung Quốc thông tin còn nhiều biến động, rất khó dự báo.

L.THANH - Q.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm