Xuất khẩu gạo rối tung vì điều hành bất nhất

Từ khi có lệnh “tạm dừng xuất khẩu gạo”, không biết bao nhiêu sự việc lộn xộn, rối rắm đã xảy ra. Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan trở thành tâm điểm của dư luận, còn các doanh nghiệp (DN) thì có thể bị thiệt hại nặng do gạo chất đống tại cảng mà không được phép xuất khẩu.

Điều hành kiểu đùng một cái

Ngày 23-3, Bộ NN&PTNT báo cáo Thường trực Chính phủ rằng: Tính đến ngày 15-3, đã có gần 1,3 triệu tấn gạo được xuất khẩu, tăng 26,5% và thu về 602 triệu USD, tăng 34,6%. Bộ này khẳng định năm 2020 có thể xuất khẩu được 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ đông xuân có thể xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo do trúng mùa.

đùng một cái, trong phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 23-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lại đề xuất “tạm dừng xuất khẩu gạo” cho đến hết tháng 5-2020. Thông báo 121 ngày 23-3 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về an ninh lương thực nói rõ: “Đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020 nhằm đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước”.

Tuân thủ quyết định của Thủ tướng, Tổng cục Hải quan có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng tiếp nhận các tờ khai xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24-3.

tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lại có công văn hỏa tốc đề nghị Thủ tướng tiếp tục cho xuất khẩu gạo.

Lý do là vì có nhiều DN phản ánh và cần đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, lượng hợp đồng đã ký và lượng tồn kho thực tế của các DN. Mặt khác, do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng.

Lý do nói trên có nghĩa là sản lượng thực tế vụ đông xuân cũng như lượng tồn kho của các DN là… không đáng tin cậy? Sự thật có vẻ không phải như thế. Vì sau cuộc họp tại TP.HCM của đoàn công tác liên ngành, Bộ Công Thương nhận thấy rằng: Số liệu vụ đông xuân 2020 của Bộ NN&PTNT về cơ bản là đúng. Về xuất khẩu thì số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp là đúng. Mặt khác, các địa phương đề nghị đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng phương án xuất khẩu có kiếm soát chặt chẽ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Những diễn biến trên cho thấy các cơ quan chức năng đã tham mưu đề xuất vội vã, thiếu thông tin, thiếu cơ sở dữ liệu chính xác. Điều này khiến những quyết định đưa ra chưa sát thực tế, chưa nắm rõ tình hình sản xuất, thị trường cung cầu trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay lượng lúa còn tồn rất nhiều, do vậy nông dân và DN đang trông chờ vào quyết định của cơ quan chức năng để được xuất khẩu. Ảnh: ANH HÀO 

Sự cố 0 giờ mở hệ thống tiếp nhận tờ khai

Sau khi được Thủ tướng đồng ý phương án xuất khẩu gạo có kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định vào ngày 10-4 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn trong tháng 4, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4.

Đương nhiên, các thương nhân xuất khẩu gạo rất trông chờ quyết định này. Nhưng hệ thống khai báo hải quan mở lúc 24 giờ ngày 11-4 khiến nhiều DN trở tay không kịp. Họ phản ánh lên các cấp, các ngành, thậm chí kêu lên tới cả Thủ tướng. Có DN kêu tới bốn lần là bởi vì họ có nguy cơ phá sản nếu chế độ hạn ngạch tiếp tục được áp dụng và hải quan tiếp tục bất ngờ mở hệ thống tiếp nhận tờ khai như đêm 11-4.

Trước những phản ánh của DN và báo chí, Tổng cục Hải quan luôn khẳng định họ đã làm đúng quy trình, thiết lập lại hệ thống theo tiêu chí hạn ngạch mà Bộ Công Thương đưa ra và giải thích rằng: Hệ thống thông quan tự động do chính phủ Nhật tài trợ là “tự động”, “không có sự can thiệp của công chức hải quan”.

Từ ngày 12-4 đến nay, các DN tiếp tục kêu cứu. Tổng cục Hải quan thì có ý đổ lỗi cho Bộ Công Thương. Đáng chú ý, sau khi đã có quyết định về cho xuất khẩu trở lại nhưng ngay trong ngày 10-4, tức ngày Bộ Công Thương ra quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo thì Bộ Tài chính lại phát đi một văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương đề nghị chỉ cho xuất khẩu gạo nếp, không cho xuất khẩu gạo tẻ đến hết ngày 15-6.

Thậm chí, trong một báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Công Thương đã “không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng” và đề ra những biện pháp để xuất khẩu gạo không bị động nữa. Đáp lại, Bộ Công Thương quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo…

Chính sự bối rối, bất nhất của các cơ quan điều hành khiến các DN lao đao. Họ phải tiếp tục đợi chờ và tốn nhiều khoản chi phí liên quan đến kho bãi, phạt chậm hợp đồng.

Kiến nghị cho xuất gạo tồn tại cảng, gạo nếp

Tổng cục Hải quan vừa kiến nghị cho xuất khẩu gạo đã tồn ở các cảng từ ngày 24-3. Sau đó, số gạo này sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp, bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp theo nhu cầu.

Bộ Tài chính cũng đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những DN đã trúng thầu với các cục dự trữ nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong… 

Phải mở cửa cho xuất khẩu gạo

Trong văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì lập đoàn kiểm tra liên ngành tình hình sản xuất, cung ứng, xuất khẩu, dự trữ gạo, Thủ tướng đã nêu rõ: “Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua”.

Nhiều DN, chuyên gia cũng đề nghị cơ quan điều hành xuất khẩu gạo cần công bố thông tin kịp thời, công khai, minh bạch. Đặc biệt, các cơ quan điều hành xuất khẩu gạo cần có sự bàn bạc, phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, bất nhất, gây sốc. Từ đó để các DN không bị động, mất uy tín với đối tác nước ngoài, phải bồi thường hợp đồng; tránh tình trạng đóng băng xuất khẩu gạo và đặc biệt có thể tạo ra cơ chế chế xin cho, lợi ích nhóm.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, khẳng định Việt Nam không thiếu lương thực dù năm nay chịu tác động từ hạn mặn. Riêng vụ đông xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ lẫn tiêu dùng trong nước, lượng gạo có thể xuất khẩu hơn 3 triệu tấn. Đó là chưa kể chưa đến hai tháng nữa đã thu hoạch vụ lúa hè thu.

“Việt Nam không thiếu gạo nhưng do việc không nắm sát số liệu dẫn tới tham mưu điều hành xuất khẩu gạo không thực tế. Năm 2008, Việt Nam cũng có bài học đắt giá trong việc điều hành xuất khẩu gạo, để độ vênh lớn giữa cung và cầu. Thời điểm đó có lệnh chỉ cho xuất khẩu hạn chế trong khi lượng gạo tồn trong kho DN, nông dân lại cao. Hệ quả là Việt Nam thiệt hại lớn, trong khi Thái Lan và nhiều nước hưởng lợi” - GS Xuân nhấn mạnh.

An ninh lương thực đâu chỉ là gạo?

Trước khi có lệnh “tạm dừng xuất khẩu gạo” ngày 23-3, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 hôm 18-3.

Xuất khẩu gạo rối tung vì điều hành bất nhất ảnh 2
Việc điều hành xuất khẩu gây giật cục khiến cho DN và hàng triệu nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo khốn khổ. Ảnh: ANH HÀO  

Sau Kết luận 53 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo đó, ngoài việc cải thiện và cân đối dinh dưỡng, nghị quyết hướng tới chỉ tiêu lương thực vào năm 2020 cho mỗi người dân mỗi năm theo hướng: Gạo giảm xuống còn 100 kg, thịt các loại 45 kg, cá các loại 30 kg, quả các loại 50 kg, rau các loại 120 kg, tăng mức tiêu dùng trứng, sữa gấp hai lần so với năm 2009.

Như vậy phải thấy rằng: An ninh lương thực quốc gia không chỉ là gạo. Bộ NN&PTNT tại hội nghị nói trên cũng cho rằng: Mặc dù mục tiêu của nghị quyết có đề cập đến các mục tiêu về các loại lương thực thực phẩm khác như ngô, rau, cây ăn quả, sữa, thịt... và nhu cầu dinh dưỡng; nhưng thực chất mục tiêu tập trung “nặng về sản xuất lúa gạo”.

Bao vấn đề đang nảy sinh đối với xuất khẩu gạo như hạn ngạch phải chăng cũng chỉ vì an ninh lương thực chưa được nhìn nhận toàn diện?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm