Xu thế hợp tác, mua lại dự án BĐS

Sự khó khăn về nguồn vốn và đầu ra, cộng với khủng hoảng kinh tế chung đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) không còn đủ sức cầm cự. Nhiều dự án mới xây chưa xong phần móng, hay mới chỉ hoàn thiện nửa chừng đã không thể tiếp tục vì DN cạn kiệt tài chính. Song nhờ những cái bắt tay hợp tác, mua lại nên các dự án thay máu hồi sinh.

Thị trường tiềm năng

Minh chứng cụ thể nhất là dự án Kim Tâm Hải (quận 12, TP.HCM) đã thực sự “lột xác” mạnh mẽ khi Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh bắt đầu hợp tác với chủ đầu tư cũ. Đại diện Công ty Hưng Thịnh cho biết vì khó khăn về vốn và thị trường từ năm 2012, Công ty Kim Tâm Hải đã không thể tiếp tục xây dựng hoàn thiện dự án. Sau khi cân nhắc kỹ, Công ty Hưng Thịnh đã quyết định bắt tay với Kim Tâm Hải, hợp tác hoàn thiện và độc quyền phân phối dự án này với ngân sách dự phòng đảm bảo 40 tỉ đồng. Đến nay, dự án đã bàn giao hết sản phẩm cho khách hàng.

Không chỉ vậy, từ năm 2013 đến đầu năm nay, nhiều dự án khác do DN Hưng Thịnh chào bán đều gây được sự bất ngờ trong giới kinh doanh địa ốc. Ông Trần Đình Trung, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh, DN chủ yếu chọn những dự án chủ đầu tư hết vốn không còn đủ năng lực tài chính để mua lại rồi bơm vốn tự mình hoặc thuê DN xây dựng hoàn thiện.

Thị trường BĐS trong năm qua đã được đánh thức bởi các hoạt động hợp tác, mua lại những dự án BĐS ngưng trệ. Ảnh: HTD

Nhiều DN BĐS khác cũng đang đẩy mạnh chiến lược kinh doanh của mình qua việc đi “săn” những dự án đầu tư dở dang, theo đó mua lại hoặc bơm vốn cùng hợp tác. Như Tập đoàn Đất Xanh đã mua lại dự án căn hộ quy mô 3,6 ha tại quận Thủ Đức của một chủ đầu tư đang đổi tên thành Sunview Town với 2.000 căn hộ, tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 1.200 tỉ đồng. Dự án thứ hai nằm trên địa bàn quận Gò Vấp, TP.HCM với quy mô 3,2 ha. Ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Đất Xanh, cho biết ngoài đẩy mạnh hoàn thiện và phân phối các dự án đã mua lại, năm nay công ty vẫn tiếp tục xem xét mua lại, hợp tác những dự án khả thi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho hay thị trường BĐS trong năm qua đã được đánh thức bởi các hoạt động hợp tác mua lại để hồi sinh những dự án BĐS sống dở, chết dở. Cũng như hai DN trên, nhiều DN khác như CT Group, Novaland, Hoàng Quân… cũng đã thành công nhờ mua lại hoặc hợp tác những dự án. Theo ông Châu, mua bán dự án BĐS ở thời điểm này là biện pháp để các DN cơ cấu lại danh mục đầu tư và cơ cấu lại dòng vốn. Bán lại các dự án cũng là lối thoát khôn ngoan của các DN yếu vốn hay do đầu tư ngoài ngành nhưng không gặp thời.

Nên “biết người, biết ta”

Đại diện Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh cho hay tại thời điểm này, DN mua lại dự án với giá mềm, tránh được nhiều khó khăn của quá trình đầu tư dự án BĐS đó là thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, không phải dễ hồi sinh và thu lợi nhuận từ những dự án mua lại này. Để có được thành công, DN phải có năng lực tài chính, có chuỗi quy trình khép kín đầy đủ các giải pháp toàn diện để hoàn thiện các dự án. Hưng Thịnh Corp gồm có các công ty thành viên về xây dựng, thiết kế, nội thất, kênh phân phối nên luôn chủ động được việc hợp tác, mua lại dự án BĐS “giữa đường đứt gánh”.

Tuy nhiên, vị đại diện DN Hưng Thịnh cho rằng đấy chỉ mới là yếu tố cần, mới chỉ là “biết mình”. DN muốn là người mua thông minh cần các yếu tố đủ khác, cụ thể là “biết ta”. Theo đó, DN đi “săn” hay muốn “bắt tay” đầu tư dự án cần nắm rõ thông tin về dự án đó, cần lựa chọn những dự án đã hoàn thiện pháp lý, có vị trí tốt, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu người mua. Hiện DN đang chú trọng mua những dự án có diện tích căn hộ nhỏ, có vị trí thuận lợi và giá mềm 600-1,2 tỉ đồng/căn hộ. Ngoài ra, DN đi mua cần chọn đúng thời điểm, thẩm định đúng mức giá của dự án đó để có thể bán được thu lại lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), chia sẻ: “Mua lại dự án thực chất là mua lại nợ của các ngân hàng. Vì vậy khả năng thẩm định, đàm phán chặt chẽ để mua được dự án còn có tiềm năng phát triển với giá mềm là hết sức cần thiết đối với DN có ý định kinh doanh theo hướng này”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định năm 2014 sẽ tiếp tục là thời điểm cho các DN BĐS tiến hành hoạt động hợp tác, mua bán dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam, các quỹ đầu tư ngoại lớn sẽ hiện diện nhiều hơn. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước cùng hợp tác phát triển.

QUANG HUY

Cần đảm bảo quyền lợi người mua nhà

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc thay tên, đổi chủ dự án cũng ẩn chứa rủi ro, theo đó nếu chủ mới đủ năng lực, uy tín thì sẽ hồi sinh được dự án, người mua nhà đảm bảo được quyền lợi. Nhưng về mặt tiêu cực nếu xảy ra rủi ro thì người mua nhà sẽ lãnh đủ. Đơn cử như trường hợp dự án đang “đắp chiếu” vì chủ đầu tư lâm nợ nần hết vốn bán ra được mua lại. Thông tin trên đưa ra được nhiều người mua nhà vui mừng, tin tưởng giao dịch mua bán. Nhưng sau đó những dự án này vẫn nằm im không dấu hiệu khởi động hồi sinh khiến người mua lại chịu thiệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm