Xóa 99% thuế: Lợi thế mới cho hàng Việt tại Anh

Ngày 11-12 vừa qua, lễ ký biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam (VN) và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã thành công tốt đẹp. Hiệp định sẽ mở thêm cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN sang thị trường Anh.

Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về ý nghĩa và tác động của hiệp định đối với nền kinh tế VN.

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm,
thanh long… sẽ hưởng lợi từ hiệp định. Ảnh: QUANG HUY

Gạo, thủy sản,dệt may… hưởng lợi

 . Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Hiệp định UKVFTA?

+ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của VN tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỉ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm VN còn rất lớn, vì hiện nay tất cả sản phẩm xuất khẩu VN chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Anh.

Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Theo các cam kết trong hiệp định, đối với hàng hóa VN nhập khẩu từ Anh, VN cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. 

. Các ngành hàng xuất khẩu nào của VN sẽ được hưởng lợi lớn từ hiệp định, thưa Bộ trưởng?

+ Các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… Cụ thể, trong ngành thủy sản, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10%-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Đối với ngành dệt may, Bộ KH&ĐT dự báo kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.

Ngoài ra, với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp các sản phẩm dệt may thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành này để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Đối với mặt hàng gạo, trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ VN sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên, thuế quan với mặt hàng này năm 2019 vẫn ở mức cao nên khó cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Tây Ban Nha, Ý, Thái Lan. Với những cơ hội mang lại từ hiệp định này, gạo xuất xứ từ VN sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ các nước trên.

Đối với mặt hàng rau quả, hiệp định khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của VN như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…

Hiệp định cũng giúp nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của VN xuất khẩu sang Anh có thuế suất về 0% trong vòng năm năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2%-10%). Do đó, ngành gỗ của VN cũng sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.

Hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021

Kết thúc đàm phán UKVFTA tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương VN Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss đã ký một tuyên bố chung khẳng định: Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của VN và Anh. Hai nước sẽ tiến tới việc ký kết chính thức hiệp định nói trên (dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021)

Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại VN - Anh. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan. Đến thời điểm cuối lộ trình, VN sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của VN. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Anh, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh. 

Tạo sức ép cạnh tranh cho hàng Việt

. Bên cạnh những cơ hội thì Hiệp định UKVFTA cũng đặt ra những thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thách thức này?

+ Đúng như vậy! Những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước…

Đơn cử như mặt hàng dệt may, nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của VN chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN. Do đó, trong thời gian tới cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu trong ngành này để tận dụng được những cơ hội từ các cam kết của hiệp định.

Cạnh đó, các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định linh hoạt trong Hiệp định EVFTA nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch, bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

. Vậy theo ông, các công ty VN cần làm gì để khắc phục những khiếm khuyết trên?

+ Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết phi truyền thống về lĩnh vực lao động, môi trường. Mặc dù pháp luật VN đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm.

Điều này có thể dẫn tới hậu quả là có rủi ro cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số doanh nghiệp. Do đó, trong quá trình thực thi, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý các cam kết này.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm