Xem xét bỏ trần lãi suất tiền gửi

Trần lãi suất huy động tiền gửi trên thực tế không còn nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn xáo trộn về lãi suất. Nếu lạm phát được kiểm soát tốt, thị trường tiền tệ ổn định và điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tính đến phương án bỏ trần lãi suất tiền gửi. Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ hai tháng đầu năm chiều 28-2.

Tăng trưởng tín dụng vẫn âm

Về kết quả chính sách tiền tệ hai tháng qua, bà Hồng cho biết tính đến ngày 20-2, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,94% so với cuối năm 2013. Huy động vốn tăng 0,83% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94%.

Lý giải cho điều này, bà Hồng cho rằng tình hình này phù hợp với quy luật của những năm gần đây là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm. Cụ thể, hai tháng đầu năm 2012, tín dụng giảm 1,88% và năm 2013, tín dụng giảm 0,23%. “Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống cả năm 2014 là 12%-14% và căn cứ tình hình hoạt động tín dụng, khả năng tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng (TCTD) mà NHNN sẽ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp” - bà Hồng nói.

 
Khi thanh khoản vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định thì NHNN sẽ tính đến phương án bỏ trần lãi suất tiền gửi. Ảnh: HTD

Lãi suất huy động ổn định

Bà Hồng cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giữ ổn định trong dịp trước tết. Sau tết, tiền gửi quay trở lại hệ thống ngân hàng nên mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn (1-2 tháng) giảm 0,2%-0,5%/năm, không có dấu hiệu đua lãi suất như những năm trước. Huy động vốn tính đến ngày 20-2 tăng 0,83% so với cuối năm ngoái.

“Trần lãi suất huy động trên thực tế không còn nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn xáo trộn về lãi suất. Trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới sáu tháng là 7% nhưng thực tế nhiều TCTD đã giảm dưới mức trần này. Bản thân các TCTD đã đặt ra mức lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng tùy thuộc cung cầu trên thị trường. Khi thanh khoản vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định thì NHNN sẽ tính đến phương án bỏ trần lãi sất huy động” - bà Hồng nói.

Việc các TCTD đã giảm lãi suất huy động là dấu hiệu tích cực cho việc cơ cấu lại kỳ hạn vốn và nguồn vốn của mình. Với mục tiêu và kỳ vọng lạm phát năm 2014 ở mức 7%, NHNN sẽ giữ ổn định các mức lãi suất điều hành như hiện nay.

Không thêm tiền cho bất động sản

Liên quan đến thông tin trên báo chí về gói hỗ trợ bất động sản 70.000-100.000 tỉ đồng cho ngành bất động sản, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), khẳng định hiện nay Chính phủ và NHNN không đưa ra gói nào 100.000 tỉ đồng cho bất động sản.

Bất động sản đang gặp khó khăn, gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội mặc dù đang được NHNN và Bộ Xây dựng triển khai nhưng số liệu giải ngân cũng mới chỉ khoảng 3%. Sau một thời gian thực hiện, tính đến nay, gói hỗ trợ này đã có hơn 2.000 người tham gia, 16 dự án tiếp cận với tổng số vốn trên 2.500 tỉ đồng.

“Nguồn hàng kém và sự liên kết giữa các bên tại một số địa phương còn chưa tốt khiến cho việc triển khai gói này chưa nhanh như mong đợi” - ông Mạnh lý giải nguyên nhân. Bên cạnh đó, ông Mạnh cho biết các cơ quan quản lý đang nghiên cứu một số sản phẩm có thể liên kết “bốn nhà” để lấy lại niềm tin cho thị trường bất động sản và giải quyết cục máu đông của thị trường.

TRÀ PHƯƠNG

 

Tăng tín dụng hỗ trợ nông nghiệp

Sắp tới NHNN sẽ lên kế hoạch cho chương trình tín dụng hỗ trợ cho nông nghiệp để phục vụ cho mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển hơn về mô hình sản xuất lớn; tập trung vào chất lượng hơn số lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm và thương hiệu rõ ràng hơn. Mức lãi suất và cụ thể về chương trình này sẽ được NHNN công bố trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN VIẾT MẠNH, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN)

39.000 tỉ đồng là số nợ xấu mà Công ty Mua bán nợ xấu (VAMC) đã mua lại từ các TCTD trong năm 2013. Dự kiến trong quý I-2014, VAMC sẽ mua 10.000 tỉ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm