Xây dựng trung tâm tài chính: Cần có hệ thống pháp luật rõ ràng

Sáng qua (8-5), Bộ Tài chính và UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc hội thảo phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP.HCM. Hội thảo này nhằm tìm một cơ chế mới để các tổ chức đầu tư tài chính trong nước có thể trở thành đối tác mạnh trong việc cạnh tranh và hợp tác với các quỹ đầu tư và tập đoàn tài chính nước ngoài trong thời gian tới.

Hệ thống pháp luật phải rõ ràng

Ông Dominic Scriven, đại diện quỹ đầu tư Dragon Capital tại Việt Nam, cho rằng một trong những yếu tố cốt lõi để hình thành một thị trường tài chính là phải có hệ thống pháp luật rõ ràng. Hơn nữa, TP. HCM cũng cần có cơ chế quản lý thị trường vừa rõ vừa nghiêm. Theo ông Dominic, Việt Nam muốn có một thị trường tài chính thì hệ thống luật pháp cần phải làm rõ được ba khía cạnh. Một là phải minh bạch và ổn định, tức là làm sao để các thành phần tham gia thị trường phải hiểu được luật. Hai là luật phải được tuân thủ, thực thi và cuối cùng luật có được thử thách hay không.

Ông Dominic cho rằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì việc thử thách pháp luật tại môi trường mà họ đầu tư là điều cần thiết. Cách đây 10 năm, công ty của ông đã từng tham gia một hợp đồng vay với một đơn vị ở TP. HCM. Đơn vị này vay nhưng không chịu trả. Cho đến nay, vụ kiện đã kéo dài ba năm nhưng vẫn... chưa xong. “Đó là một trong những cách mà chúng tôi thử thách pháp luật” - ông Dominic cho biết.

Bàn về vấn đề này, GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng, một trung tâm tài chính với những chuẩn mực quốc tế phải được hiểu như là một bộ quy tắc ứng xử minh chứng cho sự cam kết của chính quyền. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể dựa vào những cam kết này như những chuẩn mực để phán xét tính hiệu quả của thị trường tài chính, vấn đề công bố thông tin và minh bạch thông tin.

Theo ông Thơ, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước của TP. HCM không tuân thủ báo cáo tài chính đúng quy định của ta chứ chưa nói đến đúng chuẩn quốc tế. Nhưng cũng chưa bao giờ thấy TP. HCM có động thái nào chế tài thích đáng. Đó là chưa nói đến những doanh nghiệp nhà nước do trung ưong quản lý thì lại càng ngoài tầm chế tài của thành phố.

PGS-TS Sử Đình Thành, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng Bộ Tài chính cần có những chính sách thiết thực hơn nữa trong việc kích cung, kích cầu chứng khoán, cải cách hệ thống pháp luật, chuẩn mực kế toán, kiểm toán để gia tăng tính lỏng và độ sâu của thị trường. Việc tự do hóa tài chính cũng sẽ tạo cơ chế thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước, không ngừng hoàn thiện thể chế tài chính (bộ máy, pháp lý và con người) để tiếp nhận dòng chảy tư bản nước ngoài và ngăn chặn những cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, điều này cũng giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát có hiệu quả các công ty mà họ đang đầu tư cổ phiếu. Một khi các công ty trong nước tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán toàn cầu, họ sẽ thấy được là họ đang hoạt động trong một khu vực có hệ thống pháp luật đạt mức độ tiêu chuẩn cao hơn ở thị trường trong nước. Do đó, các công ty này luôn phải nỗ lực để cải thiện tình hình hoạt động đáp ứng những tiêu chuẩn công bố thông tin minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thành phố phải có thẩm quyền nhất định

Hiện nay, các định chế tài chính vẫn còn đang hoạt động dưới sự giám sát của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Mỗi cơ quan nắm bắt nguồn thông tin về một phần nào đó của thị trường tài chính. Trong khi đó, nhu cầu phát triển địa phương đòi hỏi sự vận hành hoàn chỉnh của một tổng thể thị trường tài chính có sự kết hợp nhu cầu phát triển với các nguồn lực của địa phương. Trong xu hướng phát triển chung về thị trường tài chính, cần có các chính sách và cơ chế mới có tính đột phá cho TP.HCM. Như vậy mới thu hút được các tổ chức đầu tư tài chính trong nước, các quỹ đầu tư và các tập đoàn tài chính nước ngoài. Điều này cũng đòi hỏi phải có một định chế tài chính và các cơ quan quản lý thống nhất. Do đó, vấn đề hiện nay được UBND TP.HCM quan tâm hàng đầu là UBND TP.HCM sẽ có được thẩm quyền gì, mức độ phân cấp, ủy quyền để chủ động trong các quan hệ trực tiếp với các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Năm 2005 thành phố cũng đã đưa ra đề án phát triển thị trường tài chính rồi nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. Một phần vì mục tiêu đề ra lúc đó quá xa nên chưa thể triển khai. Mặt khác, do cơ chế, chính sách tài chính của ngân hàng ngoài tầm tay của thành phố, do trung ương quản lý nên thành phố không thể can thiệp”.

PGS-TS Sử Đình Thành cũng cho rằng việc phát triển trung tâm tài chính TP.HCM còn rất nhiều thách thức, đặc biệt về cơ chế. Việc giao các quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền TP. HCM trong quản lý lĩnh vực tài chính-ngân hàng còn nhiều giới hạn. Chính quyền TP. HCM hầu như không được chia sẻ thông tin đầy đủ về các hoạt động tài chính trên địa bàn, đặc biệt là các định chế tài chính do trung ương quản lý (sở giao dịch chứng khoán, công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư...). Do vậy, vai trò của chính quyền TP. HCM trong việc hỗ trợ và kích thích phát triển thị trường tài chính khá mờ nhạt. Chính phủ cần phải có chính sách, thiết lập cơ chế, tăng cường trách nhiệm và quyền hạn cho chính quyền TP. HCM trong việc quản lý lĩnh vực tài chính trên địa bàn.

NHƯ THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm