Vươn mình ra biển lớn, DN cần biết quảng bá thương hiệu

Vừa qua, tại tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp (DN) trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, các chuyên gia nêu lên thực trạng là các DN Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, lại đang có xu hướng muốn nhỏ hơn, bí mật hơn. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ như Tập đoàn Tân Hiệp Phát mạnh dạn phát triển quy mô, quảng bá thương hiệu của mình ra bên ngoài.

Buổi tọa đàm do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức ngày 21-8, có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội DN, đại biểu Quốc hội…

Tọa đàm tập trung thảo luận làm rõ bốn nhóm vấn đề: Mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia; thực trạng năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam; những rào cản mà DN gặp phải trong nỗ lực cải thiện sức cạnh tranh; các nhiệm vụ chủ chốt đặt ra đối với Chính phủ và DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong đó, các đại biểu chỉ ra một thực tế đáng ngại là số lượng DN Việt Nam hiện rất lớn nhưng quy mô lại khá nhỏ, đã vậy nhiều DN còn muốn mình nhỏ hơn, bí mật hơn.

TS Đặng Kim Sơn.

TS Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng trong câu chuyện cấu trúc cạnh tranh, thời gian đầu có sự cạnh tranh không công bằng giữa DN nhà nước và DN tư nhân. Hiện nay, trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ, DN trong nước đang “chới với” để cạnh tranh với DN nước ngoài rất vất vả.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Vì lẽ đó, DN Việt Nam đã nhỏ rồi lại còn muốn nhỏ hơn, muốn giấu mình mọi thứ, muốn ngắn hạn, muốn ăn một lần rồi giải tán. Các DN không hướng về công nghệ, về quan hệ thị trường, không hướng vào cải thiện môi trường, cải thiện quan hệ với người lao động. Điều này đã ảnh hưởng rất to lớn đến cung cách hoạt động của DN, tác động xấu đến năng lực cạnh tranh, thậm chí là kéo nhau đi xuống. Chúng ta cần thay đổi để thực sự phát huy được năng lực cạnh tranh của nước ta, biến năng lực cạnh tranh của quốc gia thành cạnh tranh của DN.

Đồng tình với ý kiến của TS Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định: DN hiện nay vẫn đa phần là nhỏ và vừa, DN startup nên rất dễ bị tổn thương. Vì thế, chính sách hỗ trợ phải làm sao để DN ổn định hoạt động và duy trì sản xuất, kinh doanh.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng DN cũng phải tự thân vận động. Cần có sự lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm trong các hiệp hội để DN sản xuất kinh doanh tốt, truyền đạt cho DN yếu thế hơn và DN mới lập nghiệp. DN phải học hỏi lẫn nhau ngay trong mỗi hiệp hội thì mới bảo vệ được thành quả của mỗi DN.

Ngược lại, có những DN không muốn nhỏ hơn, không muốn giấu mình mà muốn vươn ra biển lớn để được thế giới biết đến. TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển) lấy ví dụ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã rất hăng hái trong việc xuất bản sách để quảng bá thương hiệu của mình ra quốc tế.

Theo khảo sát của VCCI, có đến 60% DN sản xuất, kinh doanh chỉ hòa vốn hoặc không có lãi. Thế nhưng tại sao các DN này không ngừng sản xuất kinh doanh? Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng có lẽ các DN cũng cảm thấy sứ mệnh kinh doanh của mình không thể bỏ qua và giữ vững việc làm cho người lao động, chờ thời để điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt hơn, phát triển hơn. Vì thế, các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải đồng hành, hỗ trợ DN và khích lệ tinh thần kinh doanh để có được đội ngũ doanh nhân bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng hội nhập.        

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm