Vùng ven biển Bãi Ngang đã hồi sinh

Ông Lê Văn Gọng, trưởng ấp Hai Thủ nói: “Đời sống của người dân Bãi Ngang bây giờ đã bớt nghèo, đỡ khó kể từ khi màu xanh trở lại với vùng ven biển này”.

TS Nguyễn Hữu Chiếm, khoa môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên (đại học Cần Thơ) ghi nhận: bên dưới tán rừng, cua biển, thòi lòi, bống sao, cá ngát… là những loài thuỷ hải sản mà vài năm trước đây đã gần như tuyệt chủng nay đã dần hồi phục. Theo đánh giá của các chuyên gia quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới – WWF, đã có trên dưới 36 loài thuỷ sản dần tái sinh tại khu vực Bãi Ngang. Phía bên trong dãy rừng phòng hộ là khu đê bao rộng 210ha là diện tích canh tác hai vụ tôm, một vụ lúa mỗi năm.

Mười năm trước đây, người dân vùng này chỉ trồng một vụ lúa (lúa mùa) mỗi năm. Bãi biển trống hoang không còn bóng cây, người dân chỉ kiếm sống bằng nghề đánh bắt ven bờ. Dần dần cua biển trở thành đặc sản quý hiếm. Theo ông Lê Văn Gọng, từ sau năm 2005, rừng phòng hộ phát triển dày hơn, cua biển có dấu hiệu phục hồi. Vào mùa sinh sản, cua cái mang trứng nổi lều bều trên mặt nước mặc cho sóng vỗ, đẩy đưa. Nhưng khi trôi dạt vào lớp lá bần, dưới tán rừng phòng hộ, cua cái bám lấy và đẻ trứng. Những người theo nghiệp sản xuất cua giống nói rằng, khi nước xuống, chỉ cần chặn lá bần lại trong một vùng nước, sục khí trong vòng 24 giờ là có được một mẻ cua con. Thực tế cho thấy, dưới chân rừng phòng hộ bây giờ đã có rất nhiều cua con. Ông Huỳnh Quốc Vũ, hội đồng quản trị hợp tác xã thuỷ sản Tiến Thành cho biết, người nuôi cua chỉ cần chờ nước lớn, mở cống để đón cua con vào ruộng nuôi. Chỉ với cách làm này cũng tìm được 2/3 giống cua cho nhu cầu nuôi vùng này. Mùa hè, trẻ em cũng kiếm được tiền nhờ đi đẩy xiệp bắt cua bán cho người nuôi, mỗi ngày cũng kiếm được 50.000 đồng.

Với nhiệm vụ vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển nguồn lợi biển, hợp tác xã Tiến Thành được thành lập năm 2005 với hơn 100 xã viên, trong đó có 70% xã viên là hộ nghèo. Con số xã viên tăng dần theo từng năm nhờ có sự hỗ trợ của ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, hộ nghèo được địa phương giới thiệu sẽ được vay 3 triệu đồng để mua cổ phần của hợp tác xã. Đến nay, hợp tác xã Tiến Thành đã có 400 xã viên, đời sống khá ổn định.

Theo Ngọc Tùng (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm