Vụ hơn 50.000 tấn gạo xuất khẩu bị ách lại: Cơ chế điều hành làm khó DN

Sự việc Công ty Du lịch và thương mại Kiên Giang “tố” Hiệp hội Lương thực VN (VFA) gây khó dễ trong việc xuất khẩu đã tạm thời lắng xuống khi công ty này đã được phép đưa gạo sang châu Phi và Đông Timor. Tuy nhiên, từ sự kiện này thấy lộ rõ sự không hợp lý trong quy chế điều hành xuất khẩu gạo.

Quy chế lúc làm, lúc buông

Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và thương mại Kiên Giang, cho biết trong chiều qua (22-4), công ty đã được lấy hợp đồng để xuất với số lượng 53.500 tấn gạo. Số còn lại trên 65.000 tấn gạo thì công ty đã điều đình với đối tác nhập khẩu để xuất từ tháng 7-2009 trở về sau.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng sự cố chậm giao hàng sẽ khiến Công ty Du lịch và thương mại Kiên Giang bị thiệt hại nhiều về vật chất. Chưa kể uy tín làm ăn của công ty đối với các đối tác nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, chi phí phạt vì phải để tàu “ngâm” trong cảng sẽ được các hãng tàu tính toán rồi thông qua nhà nhập khẩu để phạt công ty vì giao hàng trễ.

Theo ông Linh, việc ban hành quy chế điều hành xuất khẩu gạo của VFA là đúng nhưng không phù hợp ở thời điểm hiện tại. Chưa kể có giai đoạn, dù quy chế đã ban hành nhưng VFA lại không áp dụng. Theo đó, tại thời điểm tháng 7-2008, khi giá gạo thế giới giảm ở mức thấp thì quy chế mà VFA đưa ra không có tác dụng mà để doanh nghiệp muốn xuất thế nào thì xuất. Việc buông này kéo dài từ đầu năm đến ngày 20-4 VFA mới bắt doanh nghiệp dừng đăng ký. Điều này khiến doanh nghiệp trở tay không kịp vì trước đó đã lỡ ký hợp đồng với đối tác.

Chưa kể theo giá xuất khẩu mà VFA hướng dẫn cho doanh nghiệp lúc nào cũng cao hơn giá thị trường thế giới. Điều này dẫn đến giá gạo trong nước luôn cao hơn giá thế giới khiến doanh nghiệp không thể bán được và phải chấp nhận gạo tồn trong kho rất lớn. Cũng như những mặt hàng khác, doanh nghiệp muốn bán giá cao hay thấp thì phụ thuộc lớn vào cung cầu của thị trường. “Hiện tại với giá 440 USD/tấn thì doanh nghiệp đã có lãi rồi. Tuy nhiên, giá VFA đưa ra là 460 USD/tấn, cao hơn giá thế giới khiến nhiều đối tác không mua. Chúng tôi không thể ngồi chờ vì lỡ mai mốt giá xuống thấp thì ai đứng ra chịu lỗ cho doanh nghiệp?” - ông Linh phân trần.

Vẫn còn tình trạng xin-cho

Theo dõi khá kỹ toàn bộ vụ việc, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết việc VFA gây khó dễ cho Công ty Du lịch và thương mại Kiên Giang như thời gian qua là không đúng. Doanh nghiệp tham gia hiệp hội là được hỗ trợ, giúp đỡ chứ không phải tham gia để rồi bị gây khó dễ thêm.

Ông Bảnh cho biết việc VFA hạn chế xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay với lý do bảo đảm an ninh lương thực là chưa hợp lý. Lý do là vụ đông xuân vừa qua nông dân trúng mùa, trên thị trường giá lúa đang có xu hướng giảm. Như vậy, việc hạn chế xuất khẩu gạo vô hình trung sẽ làm giá lúa trong nước đứng lại. “Qua sự việc trên đang biểu hiện rõ cơ chế xin-cho. VFA thích cho ai thì cho và đang muốn thể hiện uy quyền của mình đối với doanh nghiệp” - ông Bảnh nói.

Theo ông Bảnh, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo mà VFA đang áp dụng không hợp lý và trên thế giới không nước nào áp dụng cơ chế tương tự. Điển hình như Thái Lan, họ chú trọng vào công tác dự báo. Ngoài ra, tham tán thương mại của Thái Lan tại các nước sẽ nắm rõ nhu cầu lương thực của từng nước. Từ đó, các cơ quan chức năng liên quan đến lúa gạo sẽ đưa ra chính kiến để Chính phủ đưa ra quyết định xuất khẩu gạo sao cho hợp lý, vừa có lợi cho doanh nghiệp và người sản xuất.

Thay đổi quy chế điều hành xuất khẩu

Theo ông Linh, VFA cần phải thay đổi một số nội dung trong quy chế điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, về giá hướng dẫn xuất khẩu cần phải điều chỉnh theo quy luật của thị trường thay vì bắt doanh nghiệp bán giá cao hơn giá thế giới như vừa qua. Ngoài ra, việc đăng ký hợp đồng cần phải công khai để tất cả doanh nghiệp, người dân được biết chứ không làm theo kiểu “nói mồm” với từng doanh nghiệp. “Từ giá cả hướng dẫn đến hợp đồng đều phải công khai để từ đó doanh nghiệp, nông dân biết để chủ động bán ra hay mua vào” - ông Linh nói.

Ngoài ra, việc phân bổ gạo xuất khẩu cho doanh nghiệp cần phải công khai và dựa theo tiêu chí cụ thể của từng doanh nghiệp chứ không dựa theo “cảm tính của một số người” như hiện tại. Ngay như ông Linh là thành viên trong ban điều hành xuất khẩu mà ngay cả tiêu chí phân bổ cho doanh nghiệp cũng không được biết.

Trong một lần trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng tác hại lớn nhất của độc quyền trong xuất khẩu là gạo Việt Nam sẽ không có thương hiệu nổi tiếng. Quyết định năm 2000 của Thủ tướng cho tư nhân tham gia xuất khẩu gạo nhưng trong thực tế rất ít công ty tư nhân có thể làm được. Điều này dẫn đến hàng trăm nhà máy xay xát và nhà máy lau bóng gạo của tư nhân xếp hàng phục vụ cho một vài công ty xuất khẩu độc quyền. Theo giáo sư Xuân, nếu xóa cơ chế độc quyền, tự nhiên trên thị trường sẽ bớt trung gian. Những công ty tư nhân này có thể trả giá cao hơn để nông dân có lợi. Cái lợi lớn nhất sẽ là công ty tư nhân phải tự lo giữ uy tín, danh hiệu riêng của mình, nếu không sẽ sạt nghiệp. Do đó, gạo của doanh nghiệp sẽ có nhãn hiệu đàng hoàng, giá bán cũng sẽ cao hơn vì được khách hàng tin tưởng.

Đảm bảo đủ gạo xuất khẩu

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, thu hoạch lúa của cả nước đạt sản lượng 38 triệu tấn/năm. Số lúa này trừ đi hao hụt và dành cho chế biến thức ăn chăn nuôi, sau khi xay xát sẽ được khoảng 22 triệu tấn gạo. Theo tính toán của Viện Dinh dưỡng quốc gia, một người sẽ ăn hết 150 kg gạo/năm. Với dân số khoảng 85 triệu thì mỗi năm Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn gạo. Như vậy, số gạo dư lại còn 10 triệu tấn, dù có đem sử dụng vào những mục đích khác (kho dự trữ quốc gia, chế biến thực phẩm, nấu rượu...) thì vẫn đủ cho xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn gạo như chủ trương Chính phủ đề ra.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm