Việt Nam xuất siêu chỉ đủ bù đắp nhập siêu từ Trung Quốc

Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2013 thặng dư cán cân thương mại khoảng 10 triệu USD, là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế có xuất siêu. Tuy nhiên, cán cân thương mại được cải thiện chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng không đáng kể. Đây là xu hướng thiếu bền vững vì cấu trúc sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế chưa được cải thiện.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu quy mô lớn phản ánh năng lực cạnh tranh xuất khẩu còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu chưa có thay đổi đáng kể và ít cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, khu vực FDI có đóng góp lớn đến thặng dư cán cân thương mại do ít chịu tác động bởi thể chế trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, tạo ra giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế; chưa tác động tích cực đến thu nhập quốc dân.

Bên cạnh đó, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa gần như không thay đổi, nhập khẩu vẫn chủ yếu là nhóm hàng máy móc, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu, cho thấy khu vực công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu vẫn chủ yếu là các mặt hàng thô hoặc mới sơ chế, đơn giản, trong khi ngành xuất khẩu công nghiệp chế tạo chế biến có giá trị gia tăng thấp.

Theo số liệu mới được công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước 12,1 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu ước 12,3 tỉ USD. Tính chung 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 70,9 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu ước 69,6 tỉ USD. Nhập siêu tháng 6 ở mức 200 triệu USD và xuất siêu đạt 1,3 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm