Việt Nam quyết kháng kiện thuế cá tra

Ngày 15-3, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá cá tra mới đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Theo đó, có những DN phải chịu mức thuế tăng từ hơn 25 lần đến 45 lần. Để phản đối quyết định bất hợp lý này, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sẽ kiên quyết kháng kiện. Các DN Việt Nam chỉ có 35 ngày (kể từ ngày công bố quyết định trên) để chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) về quy định tăng thuế của Bộ Thương mại Mỹ (DOC).

Cơ sở so sánh bất hợp lý!

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), so với kết quả đợt điều tra thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa lần 7 (POR7), mức thuế POR8 tăng khủng khiếp. Bất ngờ là trong lần công bố sơ bộ đợt POR8 (9-2012), DOC đã giảm mức thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa cho DN Việt Nam xuống mức 0% nhưng khi công bố chính thức thì mức thuế cao vọt.

Nguyên nhân là POR7 đã chọn Bangladesh (nước có điều kiện kinh tế tương đồng Việt Nam) làm nước điều tra thay thế, còn ở POR8 thì DOC đã chuyển sang chọn Indonesia. “Ngành sản xuất cá tra ở Indonesia hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam. Về quy mô, cá tra nuôi ở Indonesia chỉ là một ngành sản xuất rất nhỏ, trong khi cá tra Việt Nam là một ngành chủ lực của cả nước, nuôi với quy mô rộng lớn, lớn nhất thế giới. Về công nghệ quy trình kỹ thuật nuôi cũng khác. Cá tra Indonesia nuôi theo kiểu tự nhiên là nhiều, còn cá tra Việt Nam là nuôi công nghiệp vì thế giá thành sản xuất hoàn toàn khác biệt. Khác nữa là Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra, còn Indonesia chỉ cung ứng nội địa, hằng năm còn phải nhập cá tra Việt Nam. Sự khác biệt trên chỉ rõ không thể lấy Indonesia làm nước thay thế để làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào để áp thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam” - ông Hòe bức xúc.

Việt Nam quyết kháng kiện thuế cá tra ảnh 1

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Việt An (Anvifish) - một trong những DN chịu mức thuế chống bán phá giá cá tra đợt này. Ảnh: QUANG HUY

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Godaco), cũng đồng tình với nhận định Bangladesh là quốc gia có nền kinh tế tương đồng Việt Nam, quy trình nuôi-chế biến-xuất khẩu cá tra cũng giống Việt Nam. Vì vậy chọn nước này để tính toán biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam là hợp lý. Các lần điều tra trước đây đều như vậy. Ở lần POR7, Mỹ từng chọn Philippines làm nước thay thế và Việt Nam phản ứng nên họ đã chọn lại Bangladesh. Nhưng lần POR8 này, họ thay đổi đối tượng điều tra mà không cho chúng ta biết, vả lại là quyết định cuối cùng nên chúng ta bất ngờ, không kịp trở tay.

Kháng kiện tới cùng

Hiện tại VASEP đã gửi thông cáo báo chí cho DOC chỉ ra việc chọn Indonesia làm nước thay thế để điều tra áp thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa Việt Nam là bất hợp lý. Ông Trương Đình Hòe cho biết VASEP đã chỉ đạo các DN xuất khẩu nằm trong danh sách chịu thuế phải nhanh chóng cùng luật sư kiểm tra lại thông tin để chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT).

Phân tích tình hình, ông Hòe cho rằng kết quả vừa rồi bất lợi cho Việt Nam do đội thụ lý điều tra vụ kiện là một đội mới nên có thể họ không hiểu nhiều về ngành cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định trên lại là quyết định cuối cùng nên khó có thể phản đối buộc Mỹ lựa chọn lại nước thay thế khác. Hiện tại, các luật sư của Việt Nam tại Mỹ đang tiến hành kiểm tra kỹ lại quy trình điều tra của DOC, mức độ tin cậy của những thông số do Indonesia cung cấp, cơ sở tính giá thành sản phẩm… Đây sẽ là những lập luận có thể giúp Việt Nam bảo vệ quan điểm tại tòa. Trước mắt, các DN Việt Nam sẽ gửi hồ sơ kháng kiện lên CIT yêu cầu DOC tạm hoãn việc thu thuế đến khi vụ kiện kết thúc. “Luật sư Andrew B. Schroth của hãng luật Grunfeld, Desiderio, Lebowitz, Silverman & Klestadt LLP (Mỹ) cho biết nếu DN Việt Nam kháng kiện thì vẫn còn có cơ hội thay đổi mức thuế. Vì thông tin, số liệu tại Indonesia có thể có chất lượng thấp, độ tin cậy không cao” - ông Hòe cho hay.

TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho hay Ban Pháp chế của VCCI đang tập hợp lại những thông tin, dữ liệu về vụ kiện để có thể có những giải pháp hợp lý tiếp theo. VCCI sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng VASEP về mặt thông tin, cung cấp bằng chứng, dữ kiện cho đội ngũ luật sư để có hồ sơ đầy đủ pháp lý tiến hành kháng kiện.

Phương pháp điều tra không chính xác

Trong lần trao đổi gần đây với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Ngô Quang Thụy (người nhiều lần trực tiếp tham gia tư vấn các vụ kiện chống bán phá giá cho Việt Nam) cho biết một trong những nguyên nhân khiến DN Việt Nam chịu thiệt trong các vụ kiện là vì Mỹ không coi Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Phương pháp điều tra áp dụng cho một nước bị coi là có nền kinh tế phi thị trường hoàn toàn khác với nước có nền kinh tế thị trường. Dù giá thành cá tra DN sản xuất ra ở Việt Nam là 3,6 USD nhưng DOC có thể nâng thành 8 USD vì họ thông qua nước thứ ba có mức độ phát triển kinh tế tương đồng để tính ra giá thành. Ngược lại, các nước được Mỹ coi là có nền kinh tế thị trường thì được DOC công nhận ngay và hầu như không bao giờ bị kiện chống bán phá giá.

“Nhiều nước đã phê phán phương pháp thay thế bởi việc xác định rất phức tạp và hầu như không bao giờ chính xác. Các nhà sản xuất sản phẩm tương tự tại nước thay thế thường là đối thủ cạnh tranh với nước xuất khẩu. Vì vậy, họ thường không muốn cung cấp những thông tin hoặc có thể cung cấp thông tin sai lệch, gây bất lợi cho những nhà xuất khẩu của nước được coi là có nền kinh tế phi thị trường” - luật sư Thụy nhận xét.

Mức tăng thuế của một số DN

Công ty CP Việt An (Anvifish): Tăng 44,6 lần.

Công ty Thủy sản An Phú (An Phu seafood): Tăng 45,6 lần.

Công ty CP Gò Đàng (Godaco Seafood): Tăng 60 lần.

Công ty CP Docifish: Tăng 129 lần.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, mức thuế mới sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với các DN. Riêng 14 DN đang xuất khẩu cá tra số lượng lớn sang Mỹ, mỗi DN sẽ phải nộp tiền thuế đến vài triệu USD.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm