Việt Nam chính thức xuất siêu 3,7 tỉ USD trong quý I

Các ngành hàng điện tử, điện thoại di động, máy tính là động lực tăng trưởng hỗ trợ cho thặng dư thương mại của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tổng cục Hải quan chính thức xác nhận con số thặng dư thương mại của Việt Nam trong quý I-2020 là 3,7 tỉ USD. Trước đó, Tổng cục Thống kê tạm tính thặng dư thương lại là 2,8 tỉ USD. Như vậy con số chốt cuối cùng của Tổng cục Hải quan cao hơn rất nhiều. Và thậm chí cao hơn 1,5 tỉ USD nếu so với quý I-2019.
Tăng trưởng xuất khẩu cao hơn đáng kể so với số liệu ước tính phần lớn nhờ tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm ngành điện máy tính, điện tử và linh kiện đạt 9,1 tỉ USD, tăng 28,7%, điện thoại di động và linh kiện là 12,8 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Con số thặng dư thương mại này rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Vì  GDP trong quý I-2020 tăng 3,82%, giảm tới 3% so với cùng kỳ, trong đó tăng trưởng của hầu hết các lĩnh vực chủ lực đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ, dưới tác động của dịch COVID-19. 
Công ty chứng khoán KBSV dự báo tăng trưởng quý II-2020 sẽ có nhiều ảnh hưởng, vì dịch bệnh phức tạp và kéo dài hơn ước tính ban đầu. Chính phủ cũng đã thực hiện việc “cách ly xã hội” khiến các hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng. Đồng thời, dịch COVID-19 đang tác động tới nhu cầu tiêu dùng ở các nước đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ và EU và khiến ngành sản xuất, đặc biệt các nhóm ngành là động lực trong tăng trưởng như dệt may, giày dép, điện tử sẽ bị ảnh hưởng mạnh.  
"Tăng trưởng GDP trong quý II-2020 cũng như cả năm 2020 sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ giải ngân đầu tư công của Chính phủ", KBSV nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 14-4-2020, về việc dự thảo xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025. 
Chỉ thị nêu rõ trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bao gồm cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm hơn các giai đoạn trước; thách thức gia tăng từ biến đổi khí hậu và dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. 
Tuy vậy, Chính phủ vẫn đặt kế hoạch đạt tăng trưởng GDP bình quân năm năm giai đoạn 2021-2025 đạt 7%.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3,0% trong năm 2020. Tổ chức này cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi 5,8% trong năm 2021 với điều kiện dịch bệnh sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020. 
IMF cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2020 và tăng mạnh 7,0% trong năm 2021. Trước đó, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,9% năm 2020 và 7,5% năm 2021.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm