Vì sao giảm giá 'sập sàn' người mua vẫn thờ ơ?

Theo thống kê từ hãng Criteo quý IV hàng năm luôn là thời điểm bận rộn của thị trường mua sắm khi hàng loạt các dịp giảm giá như 10-10, ngày độc thân 11-11, Black Friday, Cyber Monday, 12-12.

Đối với dịp Black Friday, tuy không "nóng" như cuộc đua ngày lễ độc thân nhưng cũng là một dịp giảm giá lớn trong năm. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường năm nay không còn quá nhộn nhịp, chen lấn, xô đẩy để mua được món hàng giá hời. Nguyên nhân được nhiều người tiêu dùng và các nhà kinh doanh nhận định là do thay đổi cách thức bán hàng cũng như tâm lý mua hàng.

Giảm giá nhiều đợt

Ghi nhận của PV, không khí mua sắm ngày 29-11 có vẻ hạ nhiệt, nguyên nhân không phải là do người Việt thờ ơ với các đợt giảm giá. Theo một quản lý nhãn hàng thời trang nổi tiếng tại Takashiyama chia sẻ, sự "đìu hiu" là do một số hãng kéo dài thời gian mua sắm, cũng như có từng đợt giảm giá riêng biệt, chứ không còn tập trung vào một ngày duy nhất.

Một số hãng thời trang có những đợt giảm giá trước sự kiện chính như Gucci, Mango, Charls & Keith... Chính vì thế, lượng khách hàng yêu thích một nhãn hàng nào đó cũng sẽ canh theo từng đợt mua sắm.

Nhiều cửa hàng giảm giá hơn 50% nhưng vẫn đìu hiu khách. Ảnh: THU HÀ

Chị Thanh Hiền, chủ cửa hàng thời trang may mặc tại quận 3, TP.HCM, cũng thừa nhận chính việc thay đổi thời gian khuyến mãi thành từng đợt đã khiến cho người tiêu dùng có cảm giác giảm đi nhịp độ mua sắm, không còn cảnh ồ ạt đi mua cùng một ngày.

Tuy nhiên, theo chị Hiền, thay đổi thời gian giảm giá cũng mang lại nhiều thuận lợi, "để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng, chúng tôi giảm giá trước đó một tuần lễ, điều này vừa thu hút người tiêu dùng, vừa gia tăng sản phẩm bán ra" - vị chủ cửa hàng nói. 

Giảm nhiệt mua hàng do giảm giá ảo

Trong khi đó chị Minh Vy (quận 1, TP.HCM) lại bày tỏ hai năm nay chị thường không còn hào hứng trước các đợt giảm giá bởi giảm giá ảo, hoặc sản phẩm không như kỳ vọng.

"Có nhiều cửa hàng giảm giá tới 70% nhưng thực ra khi vào chỉ có rất ít sản phẩm giảm như quảng cáo, thậm chí các đồ giảm đều thuộc hàng tồn, hoặc hàng trái mùa" - chị Vy bày tỏ.

Chị Vy cũng thông tin thêm, trong những năm gần đây khi thương mại điện tử phát triển, các gian hàng chính hãng cũng lên sàn, do đó để đỡ mất thời gian đi lại, chị cũng như nhiều người làm văn phòng khác đều có xu hướng mua sắm online.

Theo chị Vy, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến các cửa hàng trở nên yên ắng hơn so với các năm trước đây. "Mua hàng online vừa tiết kiệm thời gian di chuyển, không phải chen lấn, đồng thời một số nhãn hàng còn được giảm giá nhiều hơn so với cửa hàng, lại được các sàn giải quyết khi hàng hóa bị sai sót, hư hỏng" - chị Vy nói.

Còn theo Quang Minh, nhân viên văn phòng, quận 1, TP.HCM dù đến xem giày ở trung tâm thương mại nhưng không mua, bởi Minh cho biết giá của hãng này ở nước ngoài giảm nhiều hơn mà mẫu mã, kích cỡ, màu sắc còn phong phú hơn so với Việt Nam. Anh cho biết dường như cửa hàng bán giày ở các hãng giảm giá 50% thường là những đôi cỡ lớn và giảm một số mẫu nhất định, rất kén người mua.

"Ví dụ như sản phẩm giày của Adidas, Nike, Puma... sale 50%-70% ở Anh rất nhiều mẫu mã mới và đẹp, thậm chí Adidas còn giảm thêm 30% cho những khách mua sỉ một lúc vài đôi" - Minh chia sẻ.

Nhiều cửa hàng giày chính hãng tại Việt Nam giảm giá sâu nhưng vẫn thua sức hút so với giày tại nước ngoài. Ảnh:THU HÀ

Nói về sự giảm nhiệt ngày mua sắm, anh Minh cho biết: "Thật ra không phải giảm nhiệt, mà có thể là họ chọn mua theo kiểu xách tay từ nước ngoài như của tôi, hoặc mua sắm online. Thực tế nhiều nhãn hàng hiệu vẫn đông khách và họ giảm giá ở thời điểm trước đó rồi nên vào ngày chính 29-11, người mua sẽ thấy lượng người mua giảm đi rất nhiều".

Chị Phùng Thủy Tiên, một người chuyên bán hàng xách tay sản phẩm túi xách và giày thể thao cũng thừa nhận vào các đợt giảm giá, số lượng đơn hàng luôn tăng lên gấp 5, 6 lần, dù có khi họ phải đợt đến nửa tháng mới nhận được sản phẩm.

Sự gia tăng này theo chị Tiên là do tâm lý chuộng hàng xách tay và lo sợ hàng giả, hàng nhái trà trộn và các gian hàng tại Việt Nam. Đồng thời các mẫu giảm giá từ nơi "mẹ đẻ" của hãng bao giờ cũng phong phú hơn so với thị trường mở rộng khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm