Vì sao du lịch Việt Nam thua các nước

Thông tin được công bố tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2015 (khai mạc ngày 10-9) cho thấy so với một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Singapore, chỉ số cạnh tranh về du lịch Việt Nam thấp, chỉ đạt 3,6 điểm, trong khi Indonesia đạt 4,04 điểm, Singapore đạt 4,96 điểm.

Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch).

Cần nhìn thẳng vào thực tế

. Phóng viên: Theo ông, lý do vì sao chỉ số cạnh tranh về du lịch của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực dù chúng ta có nhiều tiềm năng, nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới?

+ Ông Vũ Nam: Đúng là hiện nay chúng ta đã có một số sản phẩm và dịch vụ du lịch tốt, có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Có điều xét về tổng thể, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch của chúng ta vẫn chưa phong phú; chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch vẫn chưa bằng Thái Lan, Malaysia hay Singapore. Chính vì thế khả năng cạnh tranh nói chung của du lịch Việt còn chưa bằng các quốc gia này.

Chúng ta cần nhìn vào thực tế đó để đề ra những giải pháp phát triển có hiệu quả. Ví dụ: Hoạt động xúc tiến quảng bá cần phải được đầu tư mạnh, các nội dung quảng bá phải sát với thực tiễn phát triển sản phẩm. Bởi nếu quảng bá những sản phẩm chưa có hoặc không đúng với thực tế thì sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.

. Xin ông cho biết cụ thể hơn về sự thiếu phong phú của sản phẩm du lịch Việt là gì?

+ Tôi xin dẫn lại ý kiến của một số doanh nghiệp du lịch Nhật rằng miền Trung Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch Nhật, nhất là từ khi Vietnam Airlines mở đường bay trực tiếp Narita - Đà Nẵng, lượng khách Nhật đến miền Trung tăng mạnh. Song thời gian lưu trú của khách Nhật tại miền Trung không cải thiện nhiều do các địa phương này còn thiếu nhiều sản phẩm, dịch vụ bổ trợ như dịch vụ mua sắm, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, các hoạt động thể thao biển hoặc du lịch cộng đồng… Trong khi các hoạt động này sẽ làm tăng trải nghiệm của du khách tại điểm đến và kéo dài thời gian lưu trú.

 
Nhiều tour trong và ngoài nước giảm giá đến 50% thu hút khách quan tâm tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2015. Ảnh: TÚ UYÊN

“Chặt chém” làm xấu hình ảnh du lịch

. Nhiều du khách than phiền về nạn “chặt chém”, vệ sinh môi trường kém, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt… Đây cũng là lý do khiến không ít du khách không trở lại Việt Nam, thưa ông?

+ “Chặt chém” là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng trở nên không đẹp trong mắt khách du lịch quốc tế và dĩ nhiên có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại Việt Nam của họ. Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch... Hy vọng chỉ thị này sẽ được các địa phương quán triệt và thực hiện có hiệu quả nhằm giải quyết triệt để tình trạng “chặt chém”.

. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng chỉ ra mức độ ưu tiên Việt Nam dành cho du lịch thấp nhất trong các nước ASEAN (Việt Nam chỉ đạt 3,73 điểm trong khi Myanmar 3,9 điểm, Thái Lan 5,95 điểm…). Vậy đâu là lý do, thưa ông?

+ Tôi khẳng định thời gian vừa qua, Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch. Song hiện nay ngân sách dành cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia hằng năm chỉ đạt hơn 1 triệu USD. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam khó khăn và hạn chế. Trong khi theo chúng tôi được biết mỗi năm Thái Lan, Malaysia chi hàng trăm triệu USD cho các chương trình xúc tiến du lịch!

. Theo ông đâu là giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

+ Về phía Tổng cục Du lịch, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước. Vừa qua Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc thành lập quỹ phát triển du lịch. Hy vọng khi quỹ được chính thức thành lập, chúng ta sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn cho phát triển du lịch, đặc biệt là cho xúc tiến du lịch. Khi đó các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Làm du lịch theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”

Ông Sonny Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Đông, cho rằng so với các nước như Campuchia, Thái Lan… thì Việt Nam không thua về điểm đến khi có các di sản văn hóa, biển đảo, các địa điểm du lịch nổi tiếng. Thế nhưng du lịch Việt Nam thua ngay cả Campuchia do chưa đa dạng hóa sản phẩm và một số chính sách cũng chưa hợp lý. Chẳng hạn khách du lịch đến thành phố nào đó ngoài nghỉ dưỡng, họ còn có nhu cầu vui chơi giải trí về đêm (đi bar, câu lạc bộ…) nhưng chúng ta không đáp ứng được vì phải đóng cửa sớm.

“Cách làm du lịch của Việt Nam còn kém. Lý do là chúng ta cứ nghĩa rằng mình là điểm đến an toàn, thân thiện rồi thì cứ việc ngồi ở nhà khách sẽ tự đến. Thực tế, nếu chúng ta đẹp, tốt mà không quảng bá thì ai biết mình đẹp, tốt. Thế nên khách đến Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan (7 triệu lượt khách/năm). Campuchia là thị trường mới nổi nhưng đã thu hút gần 4 triệu lượt khách” - ông Sơn nói.

Campuchia thu hút khách tốt nhờ biết đầu tư, biết làm du lịch. Ví dụ họ chủ động đi tìm hiểu thị trường, chịu khó xúc tiến quảng bá hình ảnh… Còn Việt Nam làm xúc tiến kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì khó mà hiệu quả.

“Nếu chúng ta có ít kinh phí thì có thể làm theo cách thuê các công ty digital marketing làm, muốn quảng bá ở thị trường nào thì họ có thể làm ngay. Các công ty du lịch đã làm theo cách này, thế giới ai cũng biết. Vậy sao Tổng cục Du lịch không làm được như vậy?” - ông Sơn đặt vấn đề.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm

Trước tình hình khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm trong thời gian qua, ảnh hưởng đến doanh thu ngành du lịch, ông Nam cho biết: Trung Quốc là thị trường khách outbound (du khách ở trong nước đi ra nước ngoài du lịch) lớn nhất thế giới. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác đang rất quan tâm, phát triển thị trường này. Nếu khách Trung Quốc sụt giảm, tổng thu từ du lịch của Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng. Do vậy, cần phải tăng cường đầu tư, xúc tiến thị trường này, nhất là trong thời điểm khách Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.