Vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam còn phổ biến

Tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự2015 (sửa đổi) do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA Liên minh Phần mềm tổ chức ngày 20-4, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ VH-TT&DL, cho biết: Qua hoạt động thanh tra cho thấy tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, dù Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, nhưng tỉ lệ vi phạm theo công bố của BSA Liên minh Phần mềm, tính đến năm 2016 vẫn là 78%.  

Ông Minh kỳ vọng với khung hình phạt nghiêm khắc mới mà Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ áp dụng trong năm 2018, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ có thể giảm xuống. Tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các DN, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Trong năm năm tới Việt Nam phấn đấu tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm xuống ngang bằng với các nước trong khu vực.

"Đã đến lúc các lãnh đạo DN cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại DN mình và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín cũng như hoạt động của DN nếu một ngày bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm”, ông Minh nói.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ VH-TT&DL phát biểu tại tọa đàm

Cùng nhận định trên ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM, cho biết theo báo cáo thường niên Hoạt động SHTT năm 2016, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào Cục tăng 14,2%, kết quả xử lý đơn sáng chế tăng 23% tăng cao so với năm 2015…

Tuy nhiên, nhận thức về những hành vi vi phạm quyền SHTT, quyền tác giả trong đó có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các DN nhận thức đầy đủ.

Năm 2017, thực hiện quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính của 63 doanh nghiệp theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm của chủ sở hữu, kiểm tra 2.472 máy tính. Phát hiện 54 DN có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu. Xử lý vi phạm hành chính 1,65 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm