Về việc ngừng đổ xăng cho Pacific Airlines: Có thể kiện Vinapco ra tòa

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, vào sáng ngày 1-4, nhiều máy bay của Hãng hàng không Pacific Airlines (PA) buộc phải nằm lại sân bay Tân Sơn Nhất do đối tác là Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) không chịu cung cấp nhiên liệu.

Đối xử phải bình đẳng

Trưa qua, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc của PA cho biết với áp lực của Cục Hàng không dân dụng (Bộ Giao thông Vận tải), Vinapco buộc phải chấp hành cung ứng đầy đủ nhiên liệu.

Hiện tại, mọi hoạt động của PA đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, sau sự cố quá nhanh xảy ra, việc cần làm của PA là làm sao cho các chuyến bay hoạt động, tránh tình trạng gây thiệt hại cho khách hàng. Ông Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, PA chưa thể thống kê hết thiệt hại mà hãng phải gánh chịu.

Ông Nam không đồng tình khi Vinapco cho rằng việc áp dụng hai mức phí khác nhau đối với PA và Vietnam Airlines (VNA) dựa theo nguyên tắc “bán sỉ, bán lẻ” bởi hai hãng này tiêu thụ hai khối lượng nhiên liệu khác nhau. Theo kế hoạch, năm 2008, PA dự tính sẽ tiêu thụ khoảng 100 ngàn tấn nhiên liệu và nếu mức phí bù vào như thỏa thuận thì hãng này phải bù thêm vào số tiền rất lớn. “Chúng tôi chấp nhận san sẻ gánh nặng khi giá nhiên liệu tăng cao nhưng yêu cầu Vinapco phải giải quyết một cách công tâm cho cả hai hãng PA và VNA” - ông Nam nói.

Điều này theo ông Nam là cần phải thực hiện bởi quyết định của Thủ tướng khi phê duyệt đề án tái cơ cấu PA có nội dung đảm bảo sự đối xử bình đẳng với hai hãng hàng không nội địa lớn nhất nước. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để Tập đoàn Qantas (Úc) rất coi trọng trước khi quyết định trở thành cổ đông của PA.

Đúng ra phải hiệp thương

Được biết, Vinapco là công ty thành viên của VNA, độc quyền trong việc cung cấp nhiên liệu bay cho bốn hãng hàng không nội địa và 27 hãng hàng không quốc tế tại các cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định cụ thể đối với doanh nghiệp độc quyền.

Khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh Giá nêu rõ trong trường hợp cần phải điều chỉnh giá bán, giá mua thì tổ chức, cá nhân phải lập phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá xem xét, quyết định. Như vậy trong trường hợp này, khi PA và Vinapco không đạt được thỏa thuận thì hai bên sẽ tổ chức hiệp thương với sự có mặt của cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét.

Ngoài ra, Điều 13 Luật Cạnh tranh quy định như cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch, tạo nên bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Theo ông Nam, trong lúc này, tổ chức hiệp thương thống nhất về giá là cách làm đúng đắn nhất.

Kiện!

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Vinapco đang có dấu hiệu độc quyền bằng sự thể hiện phân biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Hơn nữa, Vinapco nâng giá phục vụ nhưng không chứng minh có sự đồng ý của Chính phủ.

Tuy nhiên, luật sư Thái Bảo Anh (Công ty Bao & Partner) cho rằng chiếu theo Luật Doanh nghiệp, mặc dù Vinapco là “con” của VNA nhưng trong kinh doanh vẫn hoạt động độc lập mà không bị ảnh hưởng tới đối tượng thứ ba, ở đây là ảnh hưởng từ phía VNA. Cho nên không thể cảm tính cho rằng Vinapco gây khó dễ cho PA là vì VNA khi chưa có đầy đủ chứng cứ chứng minh sự bắt tay của Vinapco với VNA. Theo ông Anh, không có luật nào cấm VNA thành lập doanh nghiệp cung cấp xăng dầu.

Tổng Giám đốc PA Lương Hoài Nam bày tỏ PA vẫn muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với nhà cung ứng nhiên liệu và chưa có ý định kiện tụng hay khiếu nại. Ngoài ra, PA đang chờ ý kiến chỉ đạo từ các cơ quan liên quan mà trực tiếp là từ Thủ tướng.

Tuy vậy, luật sư Thái Bảo Anh cho biết nếu muốn PA vẫn có thể kiện Vinapco ra tòa. Theo luật sư Anh, muốn thắng kiện, PA cần phải chứng minh Vinapco đã vi phạm hợp đồng ký kết. Ngoài ra, hãng hàng không này cần phải làm rõ, cụ thể thiệt hại phải gánh chịu.

Mâu thuẫn lợi ích giữa PA và Vinapco được coi là chuyện hy hữu của hàng không trong nước từ trước tới nay. Tuy nhiên qua sự việc này, vấn đề quản lý, sắp xếp ngành hàng không còn nhiều điều phải sửa đổi khi sắp tới sẽ có thêm nhiều hãng hàng không mới ra đời. Mâu thuẫn lợi ích kinh tế là lẽ thường tình trong thời buổi cạnh tranh nhưng hậu quả là những khách hàng - người bỏ tiền đi máy bay phải gánh chịu.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cung cấp xăng máy bay

Ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết trước đây Petrolimex là doanh nghiệp cung cấp toàn bộ xăng Jet A1 (xăng đặc chủng dành cho máy bay) cho các hãng hàng không. Tuy nhiên gần đây, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Petrolimex đã giao hẳn lĩnh vực này cho Vinapco. Theo ông Dũng, việc dự trữ, phân phối xăng Jet A1 không đòi hỏi yêu cầu cao lắm. Doanh nghiệp chỉ cần có bể chứa rộng để dự trữ và đừng cho xăng này lẫn với xăng khác.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cho biết nếu nhà nước cho phép, họ sẵn sàng tham gia phân phối loại xăng này.

Theo bà Carmen Wong - Giám đốc tiếp thị Air Asia (Malaysia), thông thường mỗi hãng hàng không chỉ ký kết duy nhất với một nhà doanh nghiệp cung ứng xăng. Tuy nhiên, tại các sân bay của các nước phát triển đều có từ hai đến ba nhà cung cấp nhiên liệu nhằm đề phòng biến cố xảy ra.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm