Vé khứ hồi Hà Nội-TP.HCM: 10 triệu đồng?

Giá vé máy bay trong thời gian tới sẽ biến động mạnh khi mới đây Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho tăng giá vé nhằm “cứu” các hãng hàng không đang ở trong tình trạng thua lỗ nặng.

Giá trần đã lạc hậu

Ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không VN, cho hay trước sự thua lỗ của các hãng hàng không, Thủ tướng đã có chỉ đạo cơ quan chức năng mà ở đây là Bộ GTVT phải tạo cơ chế chính sách mới để các hãng thoát lỗ. Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa thể bỏ được giá trần vì muốn bỏ phải sửa Luật Hàng không.

“Trước đây thông tư liên tịch Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có kiến nghị bỏ giá trần trên các đường bay có hai hãng khai thác trở lên nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng. Do đó trong lần này nhiệm vụ phải tạo cơ chế giống như bỏ giá trần để tạo điều kiện linh hoạt cho phát triển vận tải hàng không nội địa” - ông Thanh cho hay.

Theo ông Thanh, hiện nay việc ban hành giá trần chưa phù hợp đã khiến các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như chặng Hà Nội - TP.HCM có mức giá trần (chưa thuế và phí - PV) là 2,2 triệu đồng/chặng nhưng rất ít khi các hãng bán được giá đó mà bán ở giá thấp hơn. Do đó chính sách mới lần này sẽ tạo điều kiện cho các hãng xây dựng nhiều mức giá khác nhau để có lợi cho hãng và hành khách.

Theo một chuyên gia hàng không, giá trần đang áp dụng như hiện tại đã quá lạc hậu. Đơn cử trục Hà Nội - TP.HCM được xây dựng với giá 2,2 triệu đồng dựa trên yếu tố chi phí đầu vào (1,5 triệu đồng), lợi nhuận cho doanh nghiệp (khoảng 7%-8%), hệ số sử dụng ghế (75%). Tuy nhiên, cái khó là mức giá trên buộc hệ số sử dụng ghế từ 75% trở lên với mức giá 2,2 triệu đồng thì các hãng mới có lãi. Do cách áp đặt như vậy nên các hãng hàng không không còn “room” để áp dụng các mức giá vé linh hoạt vào.

Trong khi đó, do cạnh tranh khốc liệt nên các hãng hàng không phải bán vé với giá thấp hơn chi phí đầu vào và dẫn tới thua lỗ là điều tất yếu.

Vé khứ hồi Hà Nội-TP.HCM: 10 triệu đồng? ảnh 1

Chi phí đầu vào tăng cao trong khi cơ chế giá trần trói buộc được coi là nguyên nhân chính khiến các hãng hàng không thua lỗ. Ảnh: Q.TRUNG

Vé máy bay tết sẽ tăng giá

Vietnam Airlines (VNA) được coi là nơi châm ngòi trong việc đề xuất tăng giá vé máy bay đợt này. Trong cuộc họp diễn ra mới đây với Bộ GTVT, Tổng Giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh cho biết hãng đề xuất nâng giá trần vào khoảng 5 triệu đồng/vé trên đường bay trục Hà Nội - TP.HCM. Có thể thấy mức đề xuất tăng giá trần của VNA trên trục đường bay chính này cao gần gấp đôi so với mức giá hiện tại.

Thông tin từ Cục Hàng không cho biết hiện cơ quan chức năng đang chờ các hãng hàng không báo cáo giá thành thực tế, xây dựng phương án giá để từ đó có đề xuất nới trần giá vé máy bay. Dự kiến trong tháng 10 này, Bộ GTVT sẽ thẩm định, làm việc với Bộ Tài chính để tháng 11 có thể áp dụng giá mới.

Phó tổng giám đốc một hãng hàng không cho hay hiện hãng đang xây dựng phương án giá mới. Tuy không tiết lộ thông tin sẽ tăng bao nhiêu nhưng ông này cho hay đề xuất mới đây về việc tăng giá của VNA với Bộ GTVT cũng chính là cơ sở để các hãng hàng không nhìn vào đó xây dựng khung giá mới.

“VNA hiện chiếm phần lớn thị phần hàng không nội địa nên thường thì mọi đề xuất của hãng này sẽ thành hiện thực. Quan điểm của các hãng là trong lúc khó khăn như thế này, Nhà nước cho phép tăng càng nhiều càng tốt” - vị phó tổng giám đốc nói.

Một vấn đề mà nhiều người quan tâm là chủ trương cho phép tăng giá vé liệu có làm giá vé tết năm nay tăng hay không. Cục phó Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh thừa nhận giá vé tết tăng là điều không tránh khỏi. Bởi việc tháo gỡ về chính sách cần phải nhanh để giúp cho các hãng hàng không mau chóng vượt qua khó khăn. Ngoài ra, việc tăng giá vé trong dịp tết cũng là điều kiện để các hãng hàng không tự tin thuê thêm máy bay, nâng tần suất bay để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp tết tăng cao. Chưa kể khi giá vé tăng, các hãng sẽ có nhiều cơ hội tung ra nhiều vé giá rẻ “lệch đầu” trong dịp tết.

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết sẽ có biện pháp nhằm không để giá vé máy bay tăng vô tội vạ vào dịp tết. Ngoài ra, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, sẽ không có hãng nào dám tăng giá vé máy bay quá cao.

Giá xăng dầu quá biến động

Nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ của các hãng hàng không là do xăng dầu tăng giá quá cao và sự không ổn định của tỉ giá. Trong sáu tháng đầu năm nay, VNA đã tăng thêm 1.534 tỉ đồng so với kế hoạch và chiếm tỉ trọng 36%-37% tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của hãng do chi phí nhiên liệu tăng cao. Hai hãng Jetstar Pacific và Mekong Air mỗi tháng cũng bù lỗ hàng chục tỉ đồng cho chi phí nhiên liệu.

Mua vé giá rẻ nếu đặt sớm

Trước đây lúc tính giá trần, cơ quan chức năng chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của hành khách. Nhưng theo lý luận của các hãng, cách siết giá trần không những làm khó doanh nghiệp mà còn vô tình làm hại hành khách. Vì giá trần này sẽ khiến hành khách dù có kế hoạch đặt vé trước sẽ không mua được vé giá rẻ. Với cơ chế giá vé mới, những người mua vé giờ chót sẽ phải chịu giá vé rất cao. Ngược lại, người nào có kế hoạch đặt vé trước sẽ mua với giá rẻ.

Ông LẠI XUÂN THANH, Cục phó Cục Hàng không VN

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm