Vay tín chấp trả góp: Nhẹ hay không?

Ban đầu sản phẩm cho vay tín chấp trả góp của một số ngân hàng mới chỉ giới hạn cho các cán bộ, nhân viên trong nội bộ ngân hàng. Gần đây một số ngân hàng khác đã mở rộng cho vay tới các khách hàng đang làm việc tại các cơ quan với hạn mức cho vay từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Lãi suất thực cao gấp đôi bình thường

Nắm bắt nhu cầu của người dân là thường chi tiêu tăng cao trong dịp cuối năm, các ngân hàng đang đua nhau nở rộ dịch vụ cho vay tín chấp trả góp. Trong giới hạn vay từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng, khách hàng sẽ phải trả góp cả vốn và lãi từng tháng. Lãi suất cho vay được các ngân hàng quảng cáo chỉ ở mức 0,75%-0,1%/tháng. Mới nghe qua, khách hàng cảm thấy đây là con số khá ấn tượng. Tuy nhiên nếu làm một phép so sánh thì mức lãi suất này xem ra chẳng ngon ăn tý nào.

Để so sánh “lợi hay không lợi”, chúng tôi lấy mức lãi suất chênh nhau gần gấp hai lần của hai ngân hàng làm ví dụ (0,704% và 1,3%/tháng). Chẳng hạn ngân hàng A áp dụng lãi suất là 0,704%/tháng với cách tính lãi suất là trên dư nợ cố định ban đầu khi khách hàng vay số tiền 240 triệu đồng trong thời gian 12 tháng. Tính ra mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả gốc là 20 triệu đồng cộng với lãi suất 1,689 triệu đồng. Tổng số tiền lãi khách hàng phải trả trong 12 tháng sẽ là 20,27 triệu đồng.

Trong khi đó, ngân hàng B áp dụng lãi suất 1,3%/tháng với cách tính trên dư nợ giảm dần. Cũng với khoản vay 240 triệu đồng trong 12 tháng, khách hàng vẫn phải trả các khoản gốc hàng tháng là 20 triệu đồng, lãi phải trả tháng thứ nhất là 3,12 triệu đồng (240 triệu đồng x 1,3%/tháng). Từ tháng thứ hai, tiền gốc giảm xuống còn 220 triệu đồng x 1,3%/tháng = 2,86 triệu đồng. Tương tự, tháng thứ ba khách chỉ trả 2,6 triệu đồng... Tổng lãi suất khách hàng phải trả trong 12 tháng cũng vẫn chỉ là 20,28 triệu đồng.

Như vậy, thoạt nhìn lãi suất của các ngân hàng công bố rất hấp dẫn nhưng khi đem so sánh hai mức lãi suất khác nhau của hai ngân hàng kể trên đều cho ra tổng số tiền lãi của khách hàng phải trả là tương đương nhau. Qua đây có thể thấy mức lãi suất mà các ngân hàng đang quảng cáo hấp dẫn là không có thật.

Chỉ là “chiêu”

Ông Đặng Thành Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ và Dịch vụ tín dụng tiêu dùng Techcombank, cho biết những cách tính trên rất phổ biến trên thế giới và thực tế là một cách thức marketing của các ngân hàng. Ở nước ta, khách hàng chưa hiểu rõ về hai cách tính này nên mới dẫn đến tình trạng các ngân hàng sử dụng cách tính dựa trên dư nợ cố định ban đầu để thu hút người đi vay. “Một khi khách hàng đã hiểu rõ về vấn đề này thì họ sẽ lựa chọn sản phẩm dựa trên những điều kiện thực tế mà các ngân hàng đưa ra. Các ngân hàng sẽ khó có thể lợi dụng yếu tố lãi suất rẻ theo cách tính dựa trên dư nợ ban đầu để thu hút khách hàng nữa mà phải dựa trên những yếu tố có lợi nhất cho khách hàng” - ông Tuân nói.

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM, có nhiều cách tính lãi suất tín dụng nhưng việc áp dụng tính cách nào cũng nên có sự thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay. Đằng này các ngân hàng lại tự áp đặt một phương thức trả nợ có lợi cho mình nhất mà không quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của từng khách hàng. Đáng lẽ ra ngân hàng phải dựa trên mức thu nhập của khách hàng để tư vấn cho họ chọn phương án trả nợ như thế nào cho hợp lý. Từ đó, mới giúp cho khách hàng có thể chọn lựa các phương án trả nợ. Trên thế giới, tính lãi suất theo dư nợ ban đầu được sử dụng tương đối phổ biến do cách tính toán đơn giản, dễ hiểu. Nhưng nó thường được áp dụng cho các khoản vay nhỏ, trong thời gian ngắn hạn.

Các nhà phân tích cho rằng các ngân hàng đang sử dụng công cụ cho vay tín chấp để làm thước đo nghiên cứu thị trường. Một ngân hàng nước ngoài đã thí nghiệm bằng cách đưa ra điều kiện cho vay tín chấp với lãi suất 1%/năm, khi thấy khách hàng đến vay càng đông họ sẽ tự động nâng lên 1,3%. Tương tự mức lãi suất được nâng lên mức cao mà khách hàng không vay nữa thì họ dừng lại. Qua đây, ngân hàng sẽ biết được thông tin mức lãi suất nào thì người dân sẽ chấp nhận được.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm