Ủy ban quản lý vốn chính thức 'ôm' 12 dự án thua lỗ

Ngày 9-7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức kí giao nhận nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Theo đó, ngày 30-5, Thủ tướng đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Theo đó, bổ sung Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Ban chỉ đạo, giữ vị trí Phó Trưởng ban Thường trực thay Bộ trưởng Bộ Công Thương. Bộ trưởng Công Thương chỉ giữ vai trò Phó Ban chỉ đạo. Đồng thời, tổ giúp việc của Ban chỉ đạo cũng được chuyển từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi Bộ Công Thương tiến hành bàn giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018, thì việc bàn giao trên sẽ tạo điều kiện để Ủy ban Quản lý vốn thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của mình; đồng thời tạo thuận lợi trong phối hợp giữa Ủy ban với Bộ Công Thương và các Bộ ngành trong việc tiếp tục xử lý các dự án này.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) và Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (phải) đã chính thức kí giao nhận nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương đang vướng mắc ba vấn đề. Đó là xử lý các hợp đồng EPC với nhà thầu, cơ cấu lại các khoản vay nợ và giải pháp thoái vốn nhà nước.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khẳng định, việc xử lý các dự án đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành khác để xử lý các tồn động của các dự án. Trong đó, ông Hoàng Anh nhấn mạnh đến vai trò và tính chủ động của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty là chủ đầu tư dự án. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gắn trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch, Tổng giám đốc của các tập đoàn, tổng công ty. Nếu dự án không có tiến triển, người đứng đầu chắc chắn phải chịu trách nhiệm.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh: Ủy ban sẽ gắn trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty.

“Các lãnh đạo tập đoàn cần chủ động xử lý các vấn đề cụ thể, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây là các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước”- ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có những giai đoạn, dự án "sống dở chết dở', khó khăn chồng chất nhưng đã từng bước tháo gỡ. 12 dự án này là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng ta để tránh các nguy cơ cho tương lai sau này.

Trong số sáu nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung); 4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại (Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi) và 1 dự án (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy....

Đối với ba dự án xây dựng dở dang, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn định giá lại dự án nhà máy bột giấy Phương Nam và trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án tổ chức đấu giá. Trong khi đó, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ lại tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Riêng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với các nhà thầu.

 Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm