Ứng dụng hoàn tiền mua sắm rót 15 triệu USD chiều người Việt

Chia sẻ với PLO, bà Trúc Nguyễn, Tổng Giám đốc ShopBack Việt Nam cho biết, ứng dụng ShopBack cho ra mắt bản thử nghiệm tại thị trường Việt Nam vào tháng 12-2019 và chính thức "chào sân" vào tháng 8-2020. Từ đó đến nay ứng dụng liên tục hoàn thiện và đã đầu tư hơn 15 triệu USD tại thị trường này.

ShopBack vốn là một ứng dụng hoàn tiền khi mua sắm đã có mặt tại 9 quốc gia. Nền tảng này có trụ sở tại Singapore và sở hữu nguồn vốn lớn từ quỹ đầu tư mạo hiểm Rakuten, một ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính và nội dung số trên thế giới.

Ngoài Rakuten, ShopBack còn nhận được sự hậu thuẫn từ các đại gia khác như EV Growth, Temasek Holdings, Credit Saison... Đến nay, công ty này đã huy động được tổng cộng 113 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2014.

Theo bà Trúc, tính đến tháng 3-2021, chỉ sau hơn 8 tháng chính thức hoạt động, số tiền ShopBack hoàn lại cho người dùng Việt đã lên tới 22 tỷ đồng. Theo đó tổng chi tiêu trong năm 2020 của người dùng ứng dụng này để mua sắm đã lên hơn 2 tỷ USD, và nhận được hơn 45 triệu đô tiền hoàn.

“Trong năm nay, dựa vào tình hình thị trường Việt Nam và nhu cầu người tiêu dùng, sự sẵn sàng của đối tác về kỹ thuật và sản phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực và gia tăng hơn nữa các nguồn đầu tư để tạo ra thói quen mua sắm mới”- bà Trúc chia sẻ.

Tính đến nay ShopBack Việt Nam đã liên kết với các đối tác thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, hay các đối tác có tiếng tăm như Adidas, Con Cưng, Bamboo, PNJ…

ShopBack không cho phép người dùng nộp tiền vô tài khoản mà chỉ nhận tiền hoàn sau khi mua sắm. Ảnh: T.Hà

Trước lo ngại về tính chân thực khi hoàn tiền mua sắm, ông Jacky Ha, Giám đốc thương mại ShopBack Việt Nam cho biết, người dùng không cần quá lo ngại, bởi ứng dụng này không cho phép người dùng nộp tiền vào tài khoản, mà chỉ hoạt động theo mô hình nhất định.

Cụ thể muốn hoàn tiền người dùng sẽ vô ứng dụng tìm các đối tác thương hiệu và thực hiện mua sắm. Sau khi hoàn tất giao dịch, các thương hiệu sẽ trả hoa hồng cho ShopBack trên mỗi giao dịch thành công. Và khi đó ShopBack chia sẻ tiền hoa hồng dưới dạng hoàn tiền cho người dùng.

Vị này cũng không ngần ngại chia sẻ tham vọng của ShopBack là tạo cho người dùng một thói quen mua sắm mới "win-win-win", tức mối quan hệ có lợi giữa ShopBack - người dùng - doanh nghiệp/nền tảng mua sắm.

Trên thực tế, mô hình hoàn tiền mua sắm không còn quá xa lạ, bởi nó vốn đã thông dụng ở Mỹ, các nước châu Âu và các nước phát triển. Trong những năm qua tại Việt Nam, mô hình hoàn tiền mua sắm xuất hiện nhiều, đơn cử như thanh toán qua thẻ ngân hàng, các mô hình ví điện tử, hay cả những ứng dụng hoàn tiền riêng biệt tương tự ShopBack như Tích lũy, Finhay, Cashbag, Catback... cũng lần lượt gia nhập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm