Ứng dụng công nghệ trong phát triển truyền tải điện

Hàng trăm giải pháp khoa học công nghệ được ứng dụng

EVNNPT hiện đang quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia với 22.913 km đường dây và 126 trạm biến áp. Xác định vai trò then chốt ứng dụng KHCN là nền tảng để phát triển bền vững, EVNNPT đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và Quy định quản lý hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật để khuyến khích các hoạt động KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong EVNNPT. Do vậy, chỉ trong giai đoạn 2011- 2016, EVNNPT có hàng trăm đề tài, giải pháp KHCN được ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với giá trị làm lợi hàng chục tỉ đồng.

Phòng điều hành Trạm biến áp 500 kV Tân Định (Bình Dương).

Ngoài việc ứng dụng các kết quả của các đề tài nghiên cứu vào quản lý, sản xuất, EVNNPTcòn có nhiều đề xuất ứng dụng KHCN mới vào đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Cụ thể như nghiên cứu, ứng dụng quản lý kỹ thuật trên nền tảng sử dụng thiết bị đóng cắt kiểu kín cách điện bằng khí SF6 hay còn gọi là thiết bị GIS; Ứng dụng dây dẫn chịu nhiệt để nâng cao khả năng tải của dây dẫn đường dây trên không; Ứng dụng công nghệ chống sét van cho các đường dây nhằm giảm sự cố do sét đánh; Nghiên cứu đề xuất trang thiết bị định vị sự cố cho các đường dây 500 kV, 220 kV giúp giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố; Ứng dụng thiết bị giám sát dầu online cho máy biến áp và kháng điện 500 kV…

Nhờ vậy đã giúp các đơn vị truyền tải điện mang lại nhiều hiệu quả trong quản lý vận hành, phát hiện sớm nguy cơ sự cố, giảm đến mức thấp nhất sự cố đường dây và trạm biến áp, góp phần tăng năng lực truyền tải, giảm chi phí trong quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện.

Hiệu quả trong quản lý, vận hành

Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, cho biết EVNNPT còn hợp tác với các hãng, các nhà cung cấp trên thế giới như Toshiba, Siemens, Linet… triển khai ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến trên thế giới, để áp dụng vào hệ thống truyền tải điện Việt Nam. Hiện các Công ty Truyền tải điện đang triển khai đề án Trung tâm điều khiển xa theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); trong đó Công ty Truyền tải Điện 4 đã xây dựng 2 trung tâm điều khiển tại trạm 500 kV Tân Định và Mỹ Tho. Tuy nhiên, do mô hình điều khiển xa thay đổi nên EVNNPT sẽ triển khai theo mô hình mới, đảm bảo đến năm 2020 chuyển 60% các trạm biến áp 220 kV theo tiêu chí TBA không người trực.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, cho biết việc thiếu hụt một đơn vị có chức năng chuyên sâu về nghiên cứu, phát triển, phát triển phần mềm, ứng dụng KHCN, thiếu đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, phát triển phần mềm, giải pháp ứng dụng cũng như đào tạo năng lực nghiên cứu, phát triển đội ngũ chuyên gia cho tổng công ty là mặt còn hạn chế trong đẩy mạnh ứng dụng KHCN, hiện đại hóa lưới điện truyền tải. Trong các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, EVNNPT đóng vai trò là người sử dụng cuối cùng. Tuy nhiên, theo ông Tùng, trong các dự án, chủ yếu chỉ dừng ở phạm vi hướng dẫn sử dụng, khai thác, vận hành, chưa có các hợp đồng chuyển giao công nghệ...

 Bên cạnh đó, do EVNNPT không có các đơn vị dịch vụ nên ngay cả khi được chuyển giao công nghệ cũng khó có đủ điều kiện tiếp nhận và khai thác hiệu quả. Ví dụ như hệ thống điều khiển tích hợp đã được áp dụng trong các trạm của EVNNPT từ năm 2003, tuy nhiên đến nay cũng chỉ dừng ở mức tiếp nhận vận hành. Các công việc tích hợp, mở rộng EVNNPT vẫn chưa hoàn toàn làm chủ dẫn đến lệ thuộc vào các nhà cung cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm