TS Nguyễn Đình Cung: 'Chúng ta đang… cải lùi'!

Hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách” do Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 4-12 là dịp để nhìn lại quá trình cải cách trong lĩnh vực này.

9 bộ chia nhau “miếng bánh”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trình bày báo cáo nói: Dường như các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực lao động thời gian qua ít được chú ý hơn các lĩnh vực khác. Trong khi đó, trên thực tế những lĩnh vực này rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới cộng đồng kinh doanh.

“Nói đến cải cách hay làm tốt hơn, cắt giảm ĐKKD thì không có nghĩa là hy sinh các tiêu chuẩn về an toàn, mà là tìm cách bảo đảm an toàn lao động với chi phí rẻ hơn, cơ quan quản lý nhà nước bớt cồng kềnh hơn. Chẳng hạn như an toàn thực phẩm là rất quan trọng vì liên quan tới sức khỏe, tính mạng người dân  nhưng không có nghĩa là duy trì cách thức quản lý như hiện tại” - ông Tuấn nói.

Thừa nhận rằng các chuyên gia tại hội thảo không “sâu” về an toàn lao động nhưng ông Tuấn nói các chuyên gia có thể nhìn nhận vấn đề ở sự chồng chéo, xung đột và phân chia bất hợp lý về thẩm quyền quản lý của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như Nghị định 46/2016 phân chia thẩm quyền quản lý hàng hóa liên quan đến an toàn lao động cho các bộ, ngành thì có tới 9 bộ được phân công và mỗi bộ quản lý vài ba mặt hàng.

“Chẳng hạn như “bình khí nén ở nhà máy này thì do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, nhưng cũng cái bình khí nén đó sang nhà máy khác lại do Bộ Công Thương quản lý” - ông Tuấn nêu ví dụ và sau đó chỉ ra nhiều bất cập khác đối với quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động.

Bà Nguyễn Minh Thảo, CIEM, nói có những điều kiện kinh doanh thực chất chỉ là phân chia thẩm quyền quản lý giữa các bộ, ngành. Ảnh: CHÂN LUẬN

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM, cũng chỉ ra những thứ vô lý khi ĐKKD trong lĩnh vực lao động đang thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, cùng là các thiết bị nâng áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng thì cần trục tháp thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng; các cần trục còn lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Nhưng Bộ GTVT lại có thẩm quyền khi các phương tiện, thiết bị này dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy…

Hay một trường hợp khác, cùng là nồi hơi có cùng TCVN thì Bộ LĐ-TB&XH quản lý nồi hơi có áp suất không quá 16 bar, Bộ Công Thương quản lý nồi hơi có áp suất lớn hơn 16 bar. Tương tự như vậy, điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 9.000 BTU thì thuộc quản lý của Bộ KH&CN, còn nếu công suất lớn hơn 9.000 BTU lại thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH và yêu cầu kiểm tra chất lượng trước thông quan.

Thấy “điều vô lý” nhưng chưa có bộ nào đề xuất sửa

Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung sau khi nghe hai báo cáo đã bình luận: “Thật ra chúng ta đang “cải lùi” chứ không phải cải cách”.

Lấy ví dụ về diện tích phòng học trong giáo dục nghề nghiệp được cắt giảm từ “5-7,5 m2/người” xuống chỉ còn… “5 m2/người”, TS Cung nói: “Bao nhiêu năm nay những quy định ấy không có cơ sở khoa học. Nếu căn cứ vào tiêu chí cách mạng công nghiệp 4.0 thì quy định ấy còn vô lý, vì nó ngăn cản các mô hình, ý tưởng cách thức kinh doanh mới bởi chi phí rất đắt đỏ. Những thứ này kìm hãm phát triển một cách kinh khủng đối với xã hội".

Mặt khác, vẫn theo ông Cung, cơ quan quản lý nhà nước cũng rất trì trệ vì không có công cụ mới để quản lý. Có những mô hình kinh doanh mới như Grab là taxi mà không sở hữu cái taxi nào, hay như kinh doanh lưu trú du lịch không cần những quy định này.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng hiện nay chúng ta đang "cải lùi" chứ không phải là cải cách. Ảnh: CHÂN LUẬN

Sau khi dẫn ra nhiều ví dụ khác để minh họa cho những chồng chéo, trùng lặp và phi lý trong các quy định quản lý kinh doanh, ông Cung cho rằng: “Có rất nhiều ví dụ cho thấy chúng ta sau khi cắt giảm ĐKKD thì đang “cải lùi”. Điều này chắc chắn Chính phủ, Thủ tướng và cộng đồng kinh doanh không mong muốn”.

Theo ông Cung, tuân thủ pháp luật ở Việt Nam là một thách thức và hầu như ai cũng vi phạm. Có thể điều đó khiến cho đầu tư từ Hoa Kỳ và châu Âu vào Việt Nam không cao như chúng ta mong muốn. Mặt khác, nguy cơ vi phạm pháp luật như vậy còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với nước ngoài, vốn là nơi mà tuân thủ pháp luật là một tiêu chí quan trọng.

“Đừng hồ hởi với các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết. Bởi nó yêu cầu phải cải cách trong nước trước, để làm sao tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam không phải là một thách thức. Không thể để tình trạng không sai với bộ này thì sẽ sai với bộ khác xảy ra” - ông Cung khuyến cáo.

Ông Vũ Tiến Thành, Phòng Quy chuẩn và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận đúng là có những “điều vô lý” và Bộ LĐ-TB&XH đang sửa đổi, lắng nghe ý kiến các bộ nhưng chưa có bộ nào đề xuất. Mặt khác, những bất cập mà các chuyên gia nêu như “phân chia thẩm quyền chồng chéo” thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng nguyên nhân là do Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

Các vấn đề về thiếu quy chuẩn kỹ thuật, quy định, quy trình bất hợp lý hay quy định về “giá sàn” thì đều do các nguyên nhân khách quan, từ sự phối hợp giữa các bộ, ngành và cả thực tế là có “độ vênh” giữa năng lực trong nước và sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện thông tin an toàn vệ sinh lao động, Cục An toàn lao động, cũng cho hay nhiều khu vực kinh doanh thuộc lĩnh vực lao động đã được xã hội hóa, chẳng hạn như “huấn luyện lao động”. Ngay cả việc huấn luyện trực tuyến (online) cũng không cấm nữa mà thuộc quyền tự quyết của doanh nghiệp.

Nhiều ĐKKD khác cũng đã được đơn giản hóa, cắt giảm theo hướng Nhà nước không can thiệp vào quá trình hoạt động của doanh nghiêp mà chỉ đưa ra tiêu chí để bảo đảm chất lượng cho doanh nghiệp tuân thủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm