Trung Quốc truy ‘lý lịch’ gạo, chuối, xoài... Việt Nam

Sau khi siết chặt chất lượng đối với mặt hàng gạo, thịt heo, thủy sản…, mới đây Trung Quốc (TQ) tiếp tục đưa ra yêu cầu cao với hoa quả Việt Nam (VN) bằng những điều kiện khắt khe. Nếu không đáp ứng được những điều kiện mới này, hàng Việt có thể bí đầu ra, thậm chí khủng hoảng thừa.

Phải có lý lịch rõ ràng

Bộ Công Thương vừa thông báo về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản, trong đó bao gồm mặt hàng rau quả như chuối, thanh long, xoài, nhãn... Theo đó, kể từ ngày 1-4-2018, các doanh nghiệp (DN) TQ nhập khẩu hoa quả từ VN khi làm thủ tục xin giấy phép kiểm dịch động vật, thực vật nhập khẩu tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.

Điều này có nghĩa các DN sẽ phải liệt kê tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Bên cạnh đó, DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên, đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Group, lo ngại quy định truy xuất nguồn gốc, lý lịch hàng hóa của TQ sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu trái cây VN, nhất là những cơ sở nhỏ lẻ. Vì những cơ sở này xưa nay quen cách mua hàng dễ dãi, không nguồn gốc xuất xứ, thu mua hàng trôi nổi rồi đóng hàng sang TQ theo đường tiểu ngạch.

“Với quy định mới của TQ thì chỉ những DN có liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân và đang xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu truy xuất nguồn gốc như Mỹ, Nhật, châu Âu ít gặp khó khăn. Còn những cơ sở nhỏ lẻ khó đáp ứng được những điều kiện cao của TQ. Bên cạnh đó, việc phải truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sẽ khiến chi phí tăng lên, đẩy giá hàng xuất khẩu tăng theo. Khi giá cao thì khó cạnh tranh lại những đối thủ như Thái Lan, Myanmar… vốn cũng đang xuất khẩu mạnh hàng sang TQ” - tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T Group phân tích.

Nhiều khách hàng Trung Quốc quan tâm tới sản phẩm ngao sạch, ngao sơ chế... của Việt Nam. Ảnh: CT

Không dừng lại ở đó, ông Tùng còn cảnh báo sẽ có không ít DN rau quả VN phải tạm ngưng xuất khẩu hoặc buộc chuyển hướng sang thị trường khác khi không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, truy xuất ngày càng khắt khe từ phía TQ. “Bằng chứng là thời gian qua một số công ty xuất khẩu gạo VN đã phải bỏ thị trường TQ vì không đáp ứng yêu cầu của thị trường này” - ông Tùng dẫn chứng.

Giám đốc Công ty Gạo Việt, ông Nguyễn Thanh Long, cũng cho hay công ty của ông đang khai thác thị trường châu Phi, Đông Âu và nhiều thị trường khác. “TQ lâu nay được cho là một thị trường dễ tính nhưng hiện tại quan niệm này không còn phù hợp nữa. Họ cử người sang tận nhà máy sản xuất gạo để kiểm tra với những tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe” - ông Long chia sẻ.

Khó trước mắt, lợi lâu dài

Nhà xuất khẩu VN chắc chắn sẽ gặp khó khăn trước mắt khi TQ đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải khắt khe hơn. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để thúc đẩy các DN lẫn hàng Việt xuất khẩu thay đổi theo hướng tích cực. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nhìn nhận không thể từ bỏ thị trường TQ mà cần xem đây là thị trường lớn. Đặc biệt giới nhà giàu TQ tăng nhanh nhất thế giới, là nơi tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn, giá cao.

Do đó, VN cần có cách tiếp cận khôn ngoan với thị trường này. “Việc TQ đòi hỏi chất lượng, truy xuất nguồn gốc là điều đương nhiên và nông sản VN hoàn toàn đáp ứng được nếu nông dân và DN Việt bỏ cách làm ăn dễ dãi. Trái cây Việt đáp ứng những thị trường cực kỳ khó tính với tầng tầng lớp lớp tiêu chuẩn của Nhật, Mỹ thì hoàn toàn đáp ứng yêu cầu thị trường TQ” - ông Võ Quan Huy tự tin.

Bên cạnh đó, DN Việt cần bỏ tâm lý “thị trường TQ cái gì cũng mua” dẫn đến việc bỏ qua các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hệ quả là khi TQ đột ngột không mua thì không thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu hoặc hàng xuất khẩu bị trả về do không đạt chuẩn.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhìn nhận TQ có lợi thế về vị trí địa lý cho hàng hóa VN, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Việc thị trường TQ ngày càng yêu cầu cao hơn bằng các biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa đòi hỏi DN Việt phải không ngừng nâng cao chất lượng. Thêm vào đó, việc đồng nhân dân tệ liên tục tăng giá cũng tạo điều kiện cho xuất khẩu của VN sang thị trường này.

“Nếu không đảm bảo được về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với các mặt hàng như thịt heo, dưa hấu, vải trong thời gian qua” - TS Thành chia sẻ.

Nhiều mặt hàng Việt được Trung Quốc ưa chuộng

Bộ Công Thương nhận định TQ là một trong những thị trường thương mại quan trọng nhất của VN, chiếm tỉ trọng lên đến gần 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của VN như hoa quả, gạo, cà phê, hạt điều, hàng tiêu dùng, thủy hải sản… được người tiêu dùng TQ ưa chuộng.

Trung Quốc truy ‘lý lịch’ gạo, chuối, xoài... Việt Nam ảnh 2
Sơ chế thanh long để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: QH

TQ đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của VN trong năm 2017 với 39% thị phần. TQ cũng là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của VN trong năm 2017, chiếm thị phần lên tới 64% với giá trị xuất khẩu 1,5 tỉ USD. Gần 76% rau quả VN xuất khẩu được thị trường TQ tiêu thụ trong năm 2017.

Trong năm 2017, TQ cũng đã vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu cá tra của VN nhiều nhất với giá trị nhập khẩu 420 triệu USD.

Hướng vào xuất khẩu chính ngạch

Xuất khẩu từ VN sang TQ lâu nay chủ yếu qua tiểu ngạch. Việc xuất khẩu theo hình thức này thường không ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ và gặp rất nhiều rủi ro nếu đối tác TQ xù hợp đồng.

Do vậy, mới đây Bộ Công Thương khuyến cáo các DN VN muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý cần xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch. Bên cạnh đó, nên thông qua hệ thống các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại tại TQ khi xuất khẩu sang thị trường này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm