Trâu, cừu, gà... ‘giải cứu’ thiếu thịt heo

Chiều 2-12, thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ về vấn đề nguồn cung thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết dự kiến sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo.

Thịt gà, trâu, cừu... tăng 390.000 tấn bù đắp cho thịt heo

Tại họp báo, trước câu hỏi của báo chí về vấn đề kiểm soát giá thịt heo trong bối cảnh giá thịt heo tăng cao trong những ngày qua, thiệt hại do dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo nguồn cung thịt heo vào dịp cuối năm và những tháng đầu năm 2020.

"Hiện tổng đàn heo còn 25 triệu con, heo nái 2,7 triệu con, đàn cụ kỵ 109.000 con, chỉ mất 10% do dịch, số cơ sở cung cấp heo giống đảm bảo đủ cung cấp địa phương có thể tái đàn bằng giống có chất lượng cao" - Thứ trưởng Tiến nói.

Cạnh đó, ông Tiến cũng cho biết vừa qua khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ họp chỉ đạo việc cung ứng thịt heo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã họp với một số địa phương trọng điểm và doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp khẳng định chỉ bán thịt heo với giá 66.000-70.000/kg. Sau phiên họp, giá thịt heo đã dịu xuống, hiện chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg, trong khi trước đó có thể lên đến 78.000 đồng/kg.

Cùng với việc kiểm soát giá thịt heo, ông Tiến cũng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường đến hết tháng 9-2019 vào khoảng 4,1 triệu tấn.

Nếu so với năm 2018, thịt gia cầm tăng hơn 13,5% (tăng 150.000 tấn), thịt trâu bò có trên 130.000 tấn (tăng 4,2%, tương đương 6.000 tấn), thịt dê cừu có trên 30.000 tấn (tăng 5.000 tấn), trứng có 13 tỷ quả (tăng 2 tỉ quả)…

Thứ trưởng Tiến cho hay: "Tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn, một phần phục vụ tăng trưởng, một phần cũng bù đắp cho thiếu hụt thịt heo trong thời gian tới".

Sẽ nhập thịt heo từ các đối tác song phương

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thịt heo là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng nên Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến cung cầu để có biện pháp tham mưu kịp thời.

Ông Hải lấy ví dụ về bối cảnh đang xảy ra tại Trung Quốc, theo đó giá thịt heo trong tháng 9 và tháng 10-2019 của nước này tăng mạnh, làm tăng 1% CPI của nước này.

Tương tự như ở Trung Quốc, tại Việt Nam dịch tả heo châu Phi cũng khiến nguồn cung thịt heo giảm và đẩy giá thịt heo tăng cao. Nhất là vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, nếu không cẩn trọng thì có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

"Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tính toán cụ thể số lượng nhập khẩu thịt heo từ đối tác có quan hệ song phương hai chiều với Việt Nam" - ông Hải thông tin.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho hay theo số liệu thống kê, dự kiến thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập nguồn từ đối tác song phương đảm bảo cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Về giải pháp để phát triển đàn heo và nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh, đồng thời tiến hành tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phổ biến kiến thức, nâng cao kinh nghiệm cho các địa phương, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm, đảm bảo an toàn sinh học, cân đối cung cầu, đảm bảo an sinh; ngăn chặn nhập lậu heo qua biên giới.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương tỉnh thành phía Bắc, phía Nam để ngăn chặn việc đưa thịt heo xuất lậu sang Trung Quốc, hoặc nhập khẩu thịt heo lậu từ Thái Lan, Campuchia. Điều này nguy cơ tới an toàn thực phẩm, mang mầm mống bệnh, ảnh hưởng tới đàn chăn nuôi trong nước; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, chương trình bình ổn tại TP.HCM, Hà Nội, trong đó mặt hàng thịt heo được ưu tiên đầu tiên.

Đến nay, có 14% tỉnh có hơn 85% xã đã hết dịch qua 30 ngày. Diễn biến dịch đã bớt phức tạp, là điều kiện tốt để tái đàn nên Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng được 740 chuỗi an toàn dịch bệnh. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.