Tránh tiêu cực, thất thoát khi mua sắm hàng hóa chống COVID-19

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn mới đây ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19.

Công văn này dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thể hiện trong các thông báo ngày 11-5 của Văn phòng Chính phủ.

Sau khi thống nhất với Bộ Y tế về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm các phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm (không bao gồm thuốc, vaccine và mua sắm từ nguồn vốn đầu tư công), Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung sau.

Về kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 phải theo phương châm “4 tại chỗ”, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương theo quy định tại Quyết định 428/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định này thì các tỉnh miền núi, Tây Nguyên được hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên được chủ động sử dụng ngân sách dự phòng, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50% thì được hỗ trợ 30%, các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại được trung ương hỗ trợ 50%.

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ lớn, vượt phần ngân sách đã được cho phép thì ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch này.

Việc mua sắm các phương tiện, sinh phẩm… để phòng chống dịch COVID-19 được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện.

Các địa phương được áp dụng hình thức chỉ định thầu như điểm a, khoản 1, điều 22 Luật Đấu thầu. Theo đó, các gói thầu chỉ định là “gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”

Giá gói thầu được hướng dẫn là phải “tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí”, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

Để thực hiện, các gói thầu ít nhất phải có một trong các tài liệu như: giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên địa bàn, nếu không đủ 3 đơn vị trên địa bàn thì có thể tham khảo trên địa bàn khác; Dự toán mua sắm đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giá thị trường tại thời điểm mua sắm từ các thông tin chính thống công khai qua mạng; giá của gói thầu mua sắm tương tự trong thời gian không quá 30 ngày trước đó.

Chủ tịch UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc sử dụng một hoặc một số, hoặc tất cả các tài liệu nêu trên và chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc mua sắm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thanh toán đầy đủ, không để nợ đọng kinh phí mua sắm, chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, quản lý và phân phối, sử dụng các phương tiện, sinh phẩm, vật tư… phòng chống dịch COVID-19.

“Bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước, thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19”, văn bản do Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm