Tranh thủ đẩy mạnh huy động vàng giờ chót

Đêm hôm trước, do giá vàng thế giới tăng mạnh nên sáng 27-3, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh. Phiên giao dịch đầu buổi sáng, giá vàng SJC niêm yết ở mức 44,3 - 44,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, giá vàng đã tăng 550.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều 26-3.

Lãi suất vàng liên tục tăng

Thời gian qua, trong khi giá vàng có chiều hướng giảm thì lãi suất huy động vàng ở một số ngân hàng thương mại lại liên tục được đẩy lên cao.

Hầu hết các ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất từ 2% đến 4%. Hiện nay, lãi suất huy động cao nhất là 4,5%/năm tại Ngân hàng SCB dành cho khách hàng gửi 100 lượng vàng trở lên. Đầu tháng 3, Ngân hàng SCB phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng đợt hai với lãi suất cao nhất lên tới 4,45%/năm. Chương trình huy động này đến hết ngày 31-3 kết thúc. Tại Ngân hàng TMCP Nam Á, lãi suất chứng chỉ huy động vàng kỳ hạn một tháng lên đến 4%/năm. Ngân hàng ACB cũng đang có chương trình “Ngày vàng ACB”. Khách hàng tham gia mua chứng chỉ huy động vàng được lãi suất cao nhất là đến 3%/năm. Trước đó Eximbank cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân mở mới tài khoản vàng giữ hộ, tham gia chương trình “Kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng”, với số vàng gửi tối thiểu 10 lượng vàng tại Eximbank sẽ được miễn phí giữ hộ và được hưởng lợi tức là 3%/năm thay cho mức 2,5%/năm trước đó.

Tranh thủ đẩy mạnh huy động vàng giờ chót ảnh 1

Giao dịch vàng tại Ngân hàng ACB. Ảnh: HTD

Tranh thủ giờ chót

ý kiến cho rằng cuộc đua lãi suất huy động vàng bắt đầu từ khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch quá xa. Cụ thể, ngày 27-9-2011, giá vàng trong nước đã cao hơn vàng thế giới 4 triệu đồng/lượng. Đến đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra giải pháp “5 +1” (cho phép năm ngân hàng và một doanh nghiệp bán vàng đã huy động ra để bình ổn giá vàng). Thời điểm này, lãi suất huy động vàng của nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu tăng mạnh, từ dưới 1% lên 1,5%, rồi 2%.

Trước đó, tháng 4-2011, NHNN đã ban hành Thông tư 11 về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các ngân hàng thương mại. Theo đó, từ ngày 1-5-2011, các ngân hàng thương mại không được huy động vốn bằng vàng và chấm dứt cho vay bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng mà thôi. Khi khách hàng đến mua vàng tại các ngân hàng, hoặc mang vàng đến ngân hàng gửi sẽ được ngân hàng cấp phiếu chứng chỉ vàng với lãi suất cao như hiện nay. Tuy nhiên, thông tư cũng quy định đến ngày 1-5, việc cấp chứng chỉ vàng nêu trên cũng sẽ phải chấm dứt. Vì thế, các ngân hàng đang muốn tranh thủ thời gian để thu hút người dân gửi thêm vàng.

Gia hạn phát hành chứng chỉ vàng?

Theo một chuyên gia ngành tài chính, nguồn lực vàng tích trữ trong dân hiện còn rất nhiều. “Đầu tháng 5 tới, các ngân hàng thương mại sẽ chỉ giữ hộ vàng cho dân. Người gửi vàng sẽ phải trả phí cho ngân hàng hoặc ngân hàng có thể tính lãi suất 0%. Việc này nếu thực hiện trong bối cảnh hiện nay chưa chắc đã phù hợp. Chúng ta đang cố gắng khai thác nguồn vàng từ trong dân nhưng chưa được. Nay ngân hàng không phát hành chứng chỉ vàng nữa, e rằng người dân sẽ không gửi, thậm chí những người đang gửi sẽ rút vàng ra khỏi hệ thống” - vị này nói.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng trong lúc nghị định quản lý vàng chưa được ban hành, chúng ta chưa có giải pháp nào cụ thể thì nên gia hạn thời gian áp dụng thông tư này. Đây là cách duy trì sự ổn định của thị trường, đặc biệt là không làm xáo trộn tâm lý người dân trong tình hình hiện nay.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện nay chúng ta đang tập trung giải quyết khó khăn của các ngân hàng thương mại. “Mới đây, chúng ta đã có chỉ đạo giảm lãi suất huy động khiến cho sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm bị giảm đi. Một lượng tiền có thể chuyển vào kênh đầu tư khác. Trong tình hình đó, NHNN cũng muốn làm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng bằng cách không cho ngân hàng huy động vốn vay bằng vàng. Việc này có cái lợi là người dân sẽ đổi vàng ra VND vì gửi tiết kiệm bằng tiền sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, theo tôi, việc sử dụng một cách thái quá các công cụ hành chính trong thị trường đang hội nhập và trong nền kinh tế đã có hiện tượng đôla hóa thì chưa hẳn sẽ tốt. Chúng ta nên áp dụng các biện pháp có tính thị trường hơn để tạo kích thích kinh tế, sao cho lợi ích của người dân được đảm bảo” - ông Doanh góp ý.

“Ký gửi niềm tin”

So với lãi suất VND 13%, lãi suất gửi vàng chỉ khoảng 2%-4%, kém hấp dẫn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, người dân vẫn gửi vàng vào các ngân hàng vì họ yên tâm có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nói rộng hơn, người dân gửi vàng cho ngân hàng không chỉ đơn thuần để hưởng lãi suất, mà điều đó còn có ý nghĩa là họ muốn “ký gửi niềm tin” vào hệ thống ngân hàng.

ThSTRẦN TRỌNG QUỐC KHANH,
Giám đốc Trung tâm Vàng ACB

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm