Tranh cãi bình gas, cháy nổ ai chịu trách nhiệm?

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) của Bộ Công Thương diễn ra ngày 27-9 trở nên nóng hơn khi đại diện cho 44 DN kinh doanh gas ở một số địa phương cho rằng Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí hóa lỏng do Bộ Công Thương soạn thảo "có lợi" cho các ông lớn, không có cơ hội cho DN khởi nghiệp.

Một trong những lý do mà các DN này phàn nàn là Nghị định 19 quy định điều kiện thương nhân phân phối phải có bồn chứa 300 m3 và 100.000-150.000 bình là quá chặt chẽ và bất hợp lý, dẫn đến DN có nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, Nghị định 19 còn quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh gas là lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc ba thương nhân kinh doanh gas đầu mối. Các DN này cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý.

Tuy nhiên, ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó phòng Thương mại vật tư (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), cho rằng so với những quy định trước đây, Nghị định 19 về kinh doanh khí đã có những điều chỉnh quy định về điều kiện theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp hơn đối với thương nhân phân phối gas.

Khi xảy ra cháy nổ, việc kiểm tra, kiểm soát, quy trách nhiệm của các thương nhân kinh doanh gas theo hệ thống rất khó.

Trước đây, theo Nghị định 107/2009, quy định điều kiện thương nhân phân phối phải có 300.000 bình và bể chứa 800 m3 nhưng Nghị định 19 đã sửa và giảm tiêu chí xuống còn tương ứng 100.000-150.000 bình và 300 m3. Như vậy, khi DN kinh doanh gas trước đây tuân thủ đúng các quy định về điều kiện tại Nghị định 107/2009 thì hoàn toàn thừa năng lực để đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định 19/2016.

Trong quá trình soạn thảo Nghị định 19, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến góp ý về điều kiện đối với thương nhân phân phối gas. Trong đó chủ yếu có hai quan điểm. Một là Hiệp hội Gas Việt Nam và các DN TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh khác nêu ý kiến giữ nguyên các điều kiện đã được quy định tại Nghị định 107/2009. Hai là một số DN đề nghị giảm điều kiện về số lượng bình và dung tích các bồn chứa tại một số tỉnh có quy mô dân số nhỏ về mức như quy định trên.

Theo ông Hiếu, Nghị định 19 đã quy định rất rõ từng điều kiện kinh doanh cho các loại hình kinh doanh khác nhau như thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân phân phối; tổng đại lý và đại lý. Mỗi thương nhân kinh doanh cảm thấy mình phù hợp với năng lực, điều kiện kinh doanh nào sẽ chọn loại hình đó. Điều này đã mở cho các DN từ nhỏ đến lớn tham gia thị trường kinh doanh khí hóa lỏng.

Về quy định số lượng DN đầu mối, theo Bộ Công Thương, bình gas thuộc sở hữu của DN kinh doanh đầu mối. Khi DN đầu mối giao bình gas cho các đại lý, đại lý có trách nhiệm quản lý và giao lại bình cho DN đầu mối. Số lượng DN đầu mối được ký kết càng nhiều thì nguy cơ thất thoát bình gas càng cao, cơ hội để các đại lý chiếm giữ bình gas không quay lại hệ thống của DN đầu mối càng nhiều. Vì vậy, tình trạng chiếm dụng bình gas trái phép trên thị trường sẽ trở nên phổ biến hơn. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, việc kiểm tra, kiểm soát, quy trách nhiệm của các thương nhân kinh doanh gas theo hệ thống rất khó.

Theo một văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị không hạ chuẩn về quy định đủ điều kiện kinh doanh đối với DN kinh doanh gas đầu mối và phân phối, giữ nguyên như quy định tại Nghị định 107/2009. Bởi theo hiệp hội này, việc giữ nguyên quy chuẩn sẽ xây dựng được các DN có đủ tiềm lực phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam.

Ngoài ra, việc quy định quản lý bình gas giữa DN đầu mối và đại lý sẽ tạo ra cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm cũng như trách nhiệm liên quan đến cháy nổ bình gas.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm