TPP: Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì?

Ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, sáng 7-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Bộ trưởng đã dành thời gian chia sẻ thông tin với báo chí xung quanh hiệp định được coi là mang tính lịch sử này.

. Phóng viên:Thưa Bộ trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế mong đợi TPP sẽ mang lại luồng gió mới cho Việt Nam. Đặc biệt đây là cơ hội lớn để chúng ta thực hiện cải cách toàn diện từ kinh tế đến hệ thống luật pháp, hành chính…?

TPP: Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì? ảnh 1
 
+ Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Các yêu cầu của TPP rất cao, trong đó có thực thi khuôn khổ pháp lý. Hiện nay Việt Nam đang thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch. Trong thời gian tới chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, trong đó có việc sửa đổi tiếp các văn bản pháp luật không còn phù hợp và xây dựng mới các luật khác.

Một nội dung quan trọng khác nữa là mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. TPP là cơ hội lớn để thu hút các doanh nghiệp (DN) lớn từ các nước thành viên, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Hiệp định này cũng là cơ hội để Việt Nam bổ khuyết cho các lĩnh vực đầu tư chưa có vốn, trình độ công nghệ chưa đáp ứng được.

. Hiện ngành nông nghiệp trong nước đang lo lắng trước sức ép cạnh tranh từ DN ngoại. Gia nhập TPP đồng nghĩa ngành này phải chịu thêm nhiều áp lực cạnh tranh, thưa Bộ trưởng?

+ Tham gia TPP, hàng nông sản các nước sẽ vào Việt Nam với số lượng lớn. Điều này giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn hàng hóa với giá phù hợp, chất lượng cao. Tuy nhiên, TPP cũng sẽ tạo áp lực lên ngành chăn nuôi của Việt Nam. Đây là ngành nhỏ lẻ, năng suất thấp nên trong quá trình đàm phán, chúng ta luôn cố gắng kéo dài lộ trình bảo hộ cho các sản phẩm sức cạnh tranh yếu. Sau đó chúng ta phải tự vươn lên.

Nhưng lộ trình này cũng phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, có mô hình mới quy mô hơn để áp dụng khoa học hiện đại, nâng cao năng suất.

. Theo quy định của TPP về nguyên tắc xuất xứ hàng dệt may, nguyên liệu phải có xuất xứ nội địa hoặc được nhập từ thành viên TPP. Trong khi đó, nguyên liệu dệt may của Việt Nam hiện nhập từ Trung Quốc đến 70%, vậy chúng ta phải làm gì?

+ Là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, khi TPP có hiệu lực, dệt may sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhưng khó khăn của ngành dệt may là phụ kiện, phụ phẩm tự sản xuất còn thấp, chưa tới 50%, còn lại là nhập ngoại. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất trong nước, thu hút đầu tư để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi đã nâng được tỉ lệ nội địa thì giá trị gia tăng càng lớn và đây cũng là kỳ vọng, quyết tâm của ngành dệt may.

 
Da giày là một trong những ngành được hưởng lợi từ TPP. Ảnh: HTD

. Với cương vị bộ trưởng Công Thương, ông thấy Việt Nam đã đủ tự tin hội nhập TPP chưa?

+ Với kinh nghiệm hội nhập cách đây 20 năm khi vào Asean, với Mỹ năm 2001 và WTO năm 2007, Việt Nam ít nhiều đã có kinh nghiệm, phần lớn là dành được thành quả cao. Với tinh thần đó, cộng thêm sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tôi tin mục tiêu đặt ra với TPP sẽ thành công, mang lại lợi ích cho người dân, DN Việt Nam.

. Sau kết thúc đàm phán TPP, Bộ Công Thương sẽ làm gì tiếp theo để người dân và DN ứng phó tốt trước hiệp định này?

+ Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng dịch nội dung hiệp định để công bố cho người dân và DN biết. Chính phủ sẽ báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương Đảng xin ý kiến các nội dung đàm phán, sau đó tổng hợp trình Quốc hội, tham mưu sửa đổi, ban hành mới một số văn bản luật để phù hợp với TPP.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Hệ thống hành chính gây nhiều trở ngại

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc cần làm khi tham gia TPP là Việt Nam phải tập trung cải cách thể chế, cải cách hệ thống hành chính.

“Nếu không cải cách mạnh mẽ về thể chế và hệ thống hành chính thì chúng ta tự đẩy mình vào vị thế bất lợi so với các quốc gia khác có hệ thống thể chế và hành chính hiện đại hơn ta. Và do đó có môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân của họ phát triển” - bà Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cũng cho rằng hệ thống hành chính của Việt Nam hiện nay còn đang gây quá nhiều trở ngại cho phát triển của nền kinh tế, cho hoạt động của DN và cuộc sống của người dân. “TPP có thể tạo nên động lực và sức ép để thúc đẩy chúng ta thực hiện tốt hơn, triệt để hơn công cuộc cải cách hành chính để mở đường cho sự phát triển của đất nước, nền kinh tế và DN Việt Nam” - bà Lan kỳ vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm