TP.HCM: Siết các sàn giao dịch bất động sản

Phòng Phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng TP.HCM vừa đưa dự thảo quy chế quản lý hoạt động các sàn giao dịch (SGD) bất động sản trên địa bàn ra lấy ý kiến. Nội dung dự thảo này đang được kỳ vọng là sẽ siết chặt hoạt động của các SGD bất động sản theo hướng minh bạch.

Nắm giao dịch

Lâu nay số lượng các giao dịch căn hộ, nền đất hằng tháng thông qua một SGD là bao nhiêu thì chỉ có sàn đó mới biết chứ cơ quan quản lý thì mù tịt. Từ việc không nắm được biến động của thị trường nên các đợt bất động sản sốt như vừa qua cơ quan quản lý bó tay. Nay diễn biến về giao dịch nhà đất ở TP bắt đầu được quan tâm chấn chỉnh.

Theo dự thảo quy chế quản lý hoạt động các SGD bất động sản thì định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, các SGD phải gửi các xác nhận bất động sản và bản thống kê các xác nhận bất động sản đã giao dịch qua sàn về cho Sở Xây dựng. Sở này giải thích quy định như vậy là để quản lý và báo cáo UBND TP, Bộ Xây dựng, gửi cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi và làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Không chỉ yêu cầu báo cáo mà trong dự thảo quy chế cũng nêu rõ hình thức chế tài. Cụ thể, đối với các SGD bất động sản không thực hiện chế độ báo cáo thì Sở sẽ báo Bộ Xây dựng xóa tên sàn trên website Mạng các SGD bất động sản Việt Nam và thông báo Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP không thực hiện thủ tục cấp chủ quyền nhà đất đối với bất động sản giao dịch qua các sàn này.

TP.HCM: Siết các sàn giao dịch bất động sản ảnh 1

Sàn nào bán sản phẩm nhà đất chưa hoàn chỉnh về hồ sơ pháp lý sẽ bị phạt nặng. Trong ảnh: Khách hàng mua căn hộ The Montana (quận Tân Phú) kéo đến đòi chủ đầu tư trả lại tiền vì dự án chưa xây móng đã bán. Ảnh: M.THẢO

Phạt tới 60 triệu đồng

Dự thảo quy chế quy định một SGD bất động sản muốn đủ điều kiện hoạt động ở TP.HCM phải thỏa sáu điều kiện. Cụ thể về đăng ký kinh doanh phải là pháp nhân có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản hoặc kinh doanh bất động sản. Về nhân sự, người quản lý SGD phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, điều hành SGD bất động sản. Sàn phải có tối thiểu hai nhân viên làm công việc môi giới có chứng chỉ môi giới bất động sản. Sàn phải có tên, biển hiệu và phải có địa chỉ giao dịch theo quy định và khi đi vào hoạt động phải có quy chế hoạt động cho sàn… Khi đi vào hoạt động, sàn phải thông báo đăng ký với Sở.

Ở vấn đề này, dự thảo cũng đưa ra các chế tài phạt nặng. Như phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động SGD bất động sản với số tiền 50-60 triệu đồng. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. Trường hợp tái phạm thì bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ một đến ba năm hoặc vô thời hạn.

Nới lỏng điều kiện cho chủ đầu tư dự án

Bên cạnh các quy định siết hoạt động SGD thì dự thảo cũng mở ra những điểm mới. Cụ thể đã nới lỏng điều kiện mở sàn cho các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp nước ngoài.

Ở vấn đề này, dự thảo đề xuất trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản thành lập SGD để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do tổ chức đó đầu tư tạo lập thì không cần phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản. Còn đối với tổ chức thành lập sàn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản, không phải đăng ký mục tiêu hoạt động của dự án. Hay dự thảo cũng hướng dẫn rõ giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, điều hành SGD bất động sản, chứng chỉ môi giới bất động sản, chứng chỉ định giá bất động sản thì chỉ được sử dụng để thành lập một SGD bất động sản.

Sàn bị chủ đầu tư cạnh tranh

Nghị định 71 hướng dẫn Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 8-8 tới có một vấn đề sẽ khiến hoạt động các SGD có sự cạnh tranh khốc liệt với chủ đầu tư. Vì quy định ở nghị định này cho phép chủ đầu tư được bán 20% số lượng sản phẩm không thông qua sàn. Vậy giải quyết vấn đề thị trường và cấp chủ quyền cho số sản phẩm bất động sản không thông qua sàn này như thế nào?

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Bốc thăm, đấu giá: Khó

Về trách nhiệm của SGD, dự thảo quy chế quản lý sàn của UBND TP.HCM và Thông tư 13 hướng dẫn Nghị định 153 quy định trong trường hợp cùng một bất động sản có từ hai khách hàng đăng ký trở lên, hoặc số khách hàng đăng ký nhiều hơn số lượng bất động sản thì phải tổ chức bốc thăm, đấu giá. Nhưng tôi thấy vấn đề này khó thực hiện và thực tế hiện nay cũng có rất ít SGD làm theo.

Ông PHÙNG VĂN NĂNG, Trưởng Ban điều hành Mạng các SGD bất động sản phía Nam

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm