Tổng nợ xấu tăng lên 60.870 tỉ đồng

Kết thúc quý III, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng đang dần lộ rõ qua báo cáo tài chính (BCTC) được công bố hàng loạt trong thời gian vừa qua.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý III-2017 của 16 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy tổng dư nợ cho vay tính đến hết tháng 9 là hơn 3.137.214 tỉ đồng, tăng gần 14,9% so với đầu năm. Kéo theo đó, tổng nợ xấu tăng thêm 13,6%, lên 60.870 tỉ đồng.

Theo cách tính giản đơn, tỉ lệ nợ xấu (tổng nợ xấu/tổng cho vay khách hàng) theo số liệu tổng hợp của 16 ngân hàng tính đến 30-9-2017 ở mức 1,99%, giảm nhẹ so với 2,03% đầu năm.

Đây có thể được xem là một tín hiệu đáng mừng cho toàn hệ thống và cũng thể hiện phần nào quyết tâm xử lý và kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, chỉ có 5/16 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm, còn 11 ngân hàng lại có tỉ lệ nợ xấu tăng. Đặc biệt, có tới ba ngân hàng có mức tăng trên 50% là TPBank, NCB và Viet A Bank.

Điều này thể hiện sự phân hóa trong quá trình thay đổi. Nguyên nhân của sự phân hóa này có thể do chính sách và chủ trương của từng ngân hàng trong năm 2017.

Cụ thể trong quý III, nhiều ngân hàng cho thấy tăng trưởng tín dụng đi cùng với nợ xấu cũng tăng cao như LienVietPostBank, VietinBank, BIDV, NCB, TPBank và VPBank. Trong khi đó một số ngân hàng lại có diễn biến tăng giảm trái chiều giữa tăng trưởng dư nợ và nợ xấu.

Cụ thể, như Vietcombank, nợ xấu giảm gần 11% trong khi cho vay khách hàng tăng hơn 16%; BacABank mặc dù tín dụng tăng 8,3% nhưng nợ xấu giảm 8,6%. Ngoài ra, nợ xấu tại Sacombank và KienlongBank cũng giảm tương ứng về 3,5% và 2,9%.

Theo Phòng phân tích - CTCP chứng khoán Phú Hưng, đến cuối tháng 9 vừa qua có ba ngân hàng là BacABank, Kienlongbank và TPBank là những tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống, dưới mức 1% và không thay đổi so với tổng hợp từ quý II-2017.

Trái ngược với đó, các ngân hàng VPBank, VietABank và Sacombank là những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất.

Trong số 16 ngân hàng công bố BCTC thì chỉ có chín ngân hàng công khai giá trị chứng khoán VAMC nắm giữ. Tổng giá trị trái phiếu VAMC của các ngân hàng tăng nhẹ 9,7% sau chín tháng đầu năm ở mức 82.800 tỉ đồng.

Trong đó có năm ngân hàng đã thực hiện mua lại nợ từ VAMC, nhiều nhất phải kể đến Vietcombank (1.055 tỉ đồng), VIB (570 tỉ đồng) và ABBank (218 tỉ đồng). Ngược lại, Sacombank là ngân hàng tích cực bán thêm nợ cho VAMC với hơn 8.200 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm