Tổng cục Hải quan: Asanzo đã khắc phục sai phạm

Ngày 6-1, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Tài chính, thời gian qua Tổng cục Hải quan tập trung chỉ đạo toàn lực lượng trên các tuyến đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực trong lĩnh vực gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa.

Điển hình như Tổng cục Hải quan đã trao đổi với VKSND Tối cao xác định cách thức xử lý đối với hàng không có nguồn gốc hợp pháp, không có xuất xứ rõ ràng, tiến hành tịch thu xử lý vụ tàu than lên đến 26.000 tấn, trị giá trên 500 tỉ đồng.

Hay vụ hàng hóa là sợi, may mặc… khi về đến biên giới có khai báo là hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhưng khi kiểm tra, lực lượng hải quan lại phát hiện có dán tem “Made in Vietnam”, nhãn mác Việt Nam. Thậm chí giấy bảo hành, đơn vị sản xuất, địa chỉ sản xuất ở Việt Nam.

Mặt khác, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lợi dụng ưu đãi thuế quan. Điển hình Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an ngăn chặn Công ty Nhôm Toàn cầu tại Vũng Tàu, trị giá hàng hóa lên đến 4,5 tỉ USD.

Nhóm máy móc thiết bị, lực lượng hải quan đã bắt giữ đến 40.000 sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp trẻ em có 100% linh kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kiểm tra nhà xưởng chỉ có 35 công nhân lắp ráp đơn giản đã biến thành hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Qua xử lý, lực lượng hải quan đã kiến nghị thu hồi C/O Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn. Ảnh: VP thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác xử lý, ông Cẩn cho biết hiện nay có khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo.

Đơn cử như vụ việc Asanzo. Đây được xem là khoảng trống pháp lý quy định về xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo, do hệ thống văn bản chưa rõ ràng, hơn nữa cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng chưa kịp thời.

Ông Cẩn cũng kiến nghị, trong quý I-2020 này, các bộ, ngành sớm tiến hành rà soát quy định, tránh tình trạng khi phát sinh vụ việc, hành vi lại gây bối rối cho cả doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, xem xét quy định về tự khai, tự chứng nhận xuất xứ để công tác phát hiện, xử lý triệt để kịp thời.

“Nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng thì vụ việc của Công ty Asanzo không đến mức nghiêm trọng như vậy. Đến nay sau khi các cơ quan chức năng công khai toàn bộ các sai phạm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp này đã khắc phục toàn bộ những sai phạm như nộp đủ số thuế thiếu, hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ cũng đã được doanh nghiệp khắc phục. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang hoàn thiện xây dựng nhà máy công nghệ cao” - ông Cẩn nhấn mạnh.

 

Tăng cường chống gian lận xuất xứ bất hợp pháp.

Ngay sau hội nghị tổng kết Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có…

Nghị quyết yêu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan theo dõi số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc danh sách và các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hằng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương, Bộ Công an, đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường.

Siết chặt công tác kiểm tra xuất xứ từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khâu kiểm tra sau thông quan. Xây dựng mạng lưới nghiệp vụ để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu, chuyển tải từ Việt Nam đi các nước để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo đúng quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm