Tôm Việt xuất khẩu EU dính “nghi án” gian lận xuất xứ

Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết họ có cơ sở nghi ngờ tôm có nguồn gốc Ấn Độ đã xuất với số lượng lớn sang Việt Nam để sơ chế rồi tiếp tục xuất khẩu sang Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ, Denmark, Ý và Pháp (từ năm 2011 đến nay).

Hiện nay, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế GSP đối với tôm đông lạnh dạng thô khi xuất vào EU là 4,2%, trong khi tôm có xuất xứ Ấn Độ xuất vào châu Âu phải chịu thuế suất 12%. Tương tự đối với tôm đã sơ chế ở Việt Nam và xuất vào châu Âu chịu thuế suất 7%, trong khi tôm cùng loại có xuất xứ Ấn Độ xuất vào châu Âu phải chịu thuế suất 20%.

Theo phân tích dữ liệu thống kê thương mại quốc tế thì có sự tăng đột biến tôm sơ chế xuất vào EU từ Việt Nam, đồng thời cùng thời điểm đó có sự  tăng số lượng tôm thô xuất từ Ấn Độ vào Việt Nam. Đặc biệt năm 2013, Việt Nam nhập khẩu tăng đột biến từ 0 lên tới 27,8 tấn với giá trị hơn 283,2 triệu Euro từ Ấn Độ và tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2014, tỷ lệ nhập khẩu tăng tương tự vào năm 2015. 

EU sẽ cử cán bộ điều tra sang Việt Nam để điều tra cụ thể về các công ty và làm việc với các bên liên quan như Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hải quan Việt Nam để làm rõ các nghi vấn gian lận xuất xứ vào thời điểm đầu năm 2017.

Đối với thủy sản nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến hàng xuất khẩu sang EU, cơ quan OLAF cho rằng có 2 nguy cơ: Nguyên liệu có xuất xứ từ những vùng nuôi chưa đạt tiêu chuẩn kiểm soát dịch bệnh; doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu chọn Việt Nam làm nước trung chuyển và sơ chế để tránh mức thuế cao hơn khi xuất khẩu sang EU. 

Việc cấp C/O Việt Nam cho các sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu không đúng qui tắc xuất xứ. Tình trạng này nếu tiếp tục gia tăng sẽ có thể khiến EU ban hành các biện pháp bất lợi (chẳng hạn tăng cường kiểm soát thông quan, bỏ ưu đãi thuế GSP) đối với tôm nhập khẩu đến từ Việt Nam.

Trước đó, OLAF cũng đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi dùng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang EU, tránh thuế chống bán phá giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm