'Tóm gọn' hơn 40 chiếc Iphone đang bán tại cửa hàng

Theo đó, qua theo dõi các hoạt động bán hàng mạng xã hội và nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, ngày 16-12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 phối hợp với Đội 2 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh điện thoại di động trên địa bàn TP Hải Dương.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh này đang bày bán 42 chiếc điện thoại di động Iphone các loại do nước ngoài sản xuất đã qua sử dụng. Trị giá hàng hóa ước tính trên 140 triệu đồng.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở kinh doanh điện thoại di động. Ảnh: DMS

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Tổng cục QLTT, đây là vụ việc vi phạm lớn thứ ba bị các Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh Hải Dương phát hiện, xử lý chỉ trong một thời gian ngắn sau khi triển khai Kế hoạch cao điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Trước đó, vào chiều 14-12, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp với Công an thị xã Kinh Môn cũng triệt phá một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả với quy mô lớn.

Cụ thể, khi đoàn chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thì phát hiện cơ sở này đang chứa gần 2.700 đơn vị sản phẩm (hộp, lọ) thành phẩm; gần 600 đơn vị sản phẩm (gói, lọ) bán thánh phẩm. Ngoài ra còn có trên 270 kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng; 24 kg tem, phiếu bảo hành; 180 kg vỏ bao bì, hộp, chai, lọ các loại cùng với một số máy móc như máy khò màng co, máy ép nhiệt, máy bọc màng co nhiệt, dụng cụ chiết rót...     

Hiện trường cơ sở gia công gần 2.000 áo khoác có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas. Ảnh: DMS 

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, đóng gói mỹ phẩm. Chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu, máy móc, bao bì, tem nhãn về để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng gói mỹ phẩm ghi nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước để bán kiếm lời.

Ngày 30-11, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Hải Dương) cùng Công an huyện Thanh Miện tổ chức kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh, gia công hàng may mặc Gia Hưng do bà Nguyễn Thị Thu làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang sử dụng máy may gia công áo khoác nam có gắn nhãn hiệu Adidas và logo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hàng hóa là 1.713 chiếc áo khoác nam thành phẩm hoàn chỉnh mang dấu hiệu giả mạo mang nhãn hiệu, 05 chiếc máy may và một số nguyên liệu, bán thành phẩm được sử dụng để gia công hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm