Tọa đàm “báo chí và doanh nghiệp”

Buổi tọa đàm cũng là dịp để các DN và đại diện báo chí trao đổi thẳng thắn trong việc hợp tác thông tin. ông Nguyễn Đức Lợi, Phó TGĐ TTXVN cho biết, TTXVN hiện nay có gần 40 ấn phẩm báo chí khác nhau, trong đó Tin tức là một trong những tờ báo ngày quan trọng. Với lợi thế có đội ngũ phóng viên thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, 27 phân xã nước ngoài, báo Tin tức nói riêng, TTXVN nói chung có thế mạnh đặc biệt mà không cơ quan báo chí nào trong nước có được. Khẩu hiệu hành động của Báo Tin tức “Cả thế giới trong tay bạn”, thể hiện ưu thế đó.

Đa số các DN tại buổi tọa đàm đều nhất trí rằng mối quan hệ báo chí và DN từ lâu là mối quan hệ tương tác qua lại, cho thấy tầm quan trọng của nhau trong bối cảnh phát triển chung. Báo chí là cầu nối quan trọng giữa DN và người dân, không có báo chí chắc chắn xã hội rất khó phát triển. Báo chí giúp DN nắm bắt thông tin để định hướng cho họ phát triển bền vững. Đặc biệt khi luật Báo chí ra đời, BC ngày càng gắn bó hơn với DN.

Tuy nhiên, mối quan hệ tương tác Báo chí và DN, nhiều lúc cũng gặp không ít khó khăn vương mắc do thông tin trao đổi không được thông suốt. Ông Lê Duy Truyền, TBT báo Tin tức TTXVN chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Trong thực tế, có DN ở chừng mừng nào đó e ngại báo chí. DN chộp giật thì né báo chí, nhưng cũng có DN có sai phạm lại chủ động gặp gỡ báo chí để trao đổi lại...” Các DN cũng thừa nhận việc hợp tác thông tin với báo chí đôi lúc gặp khó khăn, hạn chế. Một số DN do thiếu chủ động, e ngại, không cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời nên đã gây bất lợi cho chính mình và cho cả báo chí. Một bên thì không có đủ thông tin và một bên không làm cho "người khác" hiểu mình.

Ông Dương Văn Hòa, Phó TGĐ Tập đoàn Than Khoáng sản VN nhận định: Thực tế là một số DN có tâm lý sợ tiếp xúc với báo chí khi không có sự chuẩn bị trước, bởi không biết báo chí tiếp cận theo cách thức nào, nhà báo sẽ hỏi gì và phải trả lời như thế nào. Có một cách làm giảm khoảng cách đó, là trước khi có cuộc phỏng vấn, nhà báo nên có cuộc tiếp xúc, nói chuyện, nêu chủ đề cho DN, sau đó nhà báo có thể phỏng vấn thoải mái để DN tránh bị động. Có như vậy, DN mới có thể cung cấp thông tin chuẩn xác, đầy đủ cho báo chí.

Một số DN cũng bày tỏ mong muốn báo chí thẳng thắn trao đổi với DN để thông tin đưa lên mặt báo đa chiều, tránh thông tin sai lệch không đáng có. Ông Nguyễn Anh Kết, Công ty CP Thanh Hà trao đổi: Khi DN làm sai, báo chí nên đưa thông tin một cách mạnh tay, nhưng nên theo chiều hướng chỉ ra cái sai của DN để từ đó giúp DN khắc phục sai sót. Báo chí chỉ ra điểm yếu kém của DN cũng là cách giúp DN hạn chế thiếu sót của mình.

Về phía mình, các nhà báo cũng nhận định rằng đa phần DN đều chủ động hợp tác với báo chí trong việc cung cấp thông tin. Tuy nhiên, vẫn có một số DN có thái độ e dè nên cung cấp thông tin không đầy đủ, gây ra sự hiểu lầm giữa báo chí và DN. Các nhà báo đồng tình quan điểm là cả hai bên nên có sự làm việc gần gũi, trao đổi thẳng thắn, cởi mở hơn để thông tin cung cấp cho bạn đọc vừa nhanh, vừa chính xác, vừa đạt hiệu quả. Điều đó mạng lại lợi ích cho cả DN và cơ quan truyền thông.

Theo T.V (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm