Tin vui: Khoai lang tím được xuất khẩu tạm thời sang Trung Quốc

"Cơ quan phía Trung Quốc vừa phản hồi với chúng tôi rằng trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay chưa thể tiếp tục các quy trình để ký nghị định thư xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đàm phán, họ đồng ý tạm thời cho chúng ta xuất khẩu mặt hàng khoai lang, ớt sang thị trường này".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết như trên vào sáng 3-6, tại Hội nghị Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Hội nghị Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Ảnh: AH

Khoai lang tím rớt giá còn 1.000 đồng/kg

Thông tin cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, về cơ bản các loại trái cây chính, các nông sản chủ lực của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đồng thời, Cục cũng đang đàm phán với 19 thị trường với hơn 20 loại sản phẩm khác nhau như trái cây, hạt giống, hoa, gạo, đỗ, khoai lang...

Với khoai lang, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết ngày hôm qua đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu tạm thời sản phẩm khoai lang tím sang thị trường này. Tuy nhiên, để xuất khẩu phải đảm bảo điều kiện là toàn bộ vùng trồng, cơ sở đóng gói phải được kiểm tra và triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo không nhiễm 10 loại sinh vật gây hại.

"Hôm nay Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai với các tỉnh Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông về các nội dung liên quan đến kỹ thuật để hoàn thiện hồ sơ gửi sang Trung Quốc. Đối với một số tỉnh chưa có cơ sở đóng gói như tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đã làm việc với tỉnh về việc thiết lập các cơ sở đóng gói trong thời gian sớm nhất để xuất khẩu được mặt hàng khoai lang sang Trung Quốc" - bà Hương nói.

Bà con trồng khoai lang ở Vĩnh Long đang khốn khổ vì khoai lang rớt giá. Ảnh: HẢI DƯƠNG-CHÂU ANH.

Tại hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Long cũng cho biết, hiện diện tích khoai lang của tỉnh đạt khoảng 14 nghìn ha, sản lượng 350 nghìn tấn.

Khó khăn nhất của tỉnh hiện nay là chỉ có một nhà máy chế biến với sản lượng còn khiêm tốn, khoảng 2.000-3.000 tấn/năm. Số khoai lang còn lại chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng do dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

"Cách đây hai tuần, có thời điểm giá khoai lang chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi đó giá phải 5.000 đồng/kg trở lên bà con mới có lãi. Sở có tham mưu với UBND tỉnh, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... chung tay chia sẻ thì giá khoai lang lên được 3.000 đồng/kg, nhưng với giá này vẫn còn lỗ" - đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ.

Ớt sắp được xuất khẩu trở lại sang Trung Quốc và Malaysia

Thông tin thêm về mặt hàng ớt, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết từ năm 2020 phía Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam chủ động tạm dừng xuất khẩu ớt sang Trung Quốc do phát hiện một số lô hàng nhiễm ruồi đục quả.

Sau quá trình gửi hồ sơ cũng như đàm phán song phương giữa hai bên, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý cho tạm thời xuất khẩu trở lại.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật báo cáo tại hội nghị. Ảnh: AH

Bà Hương nhấn mạnh: "Trước mắt, trong thời gian chờ họ làm phân tích nguy cơ dịch hại, họ đồng ý cho mình xuất khẩu tạm thời mặt hàng ớt trở lại, với điều kiện là phải đáp ứng một trong hai điều kiện của họ. Đó là ớt phải được sản xuất trong vùng không nhiễm ruồi đục quả, hai là phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.

Ngay chiều hôm qua, Cục đã triệu tập với các đơn vị kỹ thuật, các đơn vị liên quan bàn về vấn đề này. Sau khi nghiên cứu, rà soát, chúng tôi thấy rằng biện pháp sản xuất từ vùng không nhiễm dịch hại, ruồi đục quả thì rất khó và mất nhiều thời gian thực hiện.

Vì thế Cục đang nghiên cứu biện pháp thứ hai là xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu để gửi sang phía Trung Quốc. Cục dự kiến trong khoảng 1-2 tuần tới sẽ hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật xử lý kiểm dịch thực vật để gửi sang Trung Quốc, để họ đồng ý với biện pháp này và cho xuất khẩu ớt sang đó".

Biện pháp lâu dài, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết đã hoàn thiện bộ hướng dẫn cho các tỉnh thiết lập các vùng trồng không nhiễm dịch hại. Đây là biện pháp lâu dài và có tính chất bền vững hơn.

Cũng liên quan đến mặt hàng ớt, sau hai năm tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam, gần đây Malaysia đã cho phép Việt Nam xuất khẩu trở lại sản phẩm này. Điều kiện là ớt phải được sản xuất từ các vùng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số, kiểm soát được toàn bộ quá trình từ lúc trồng cho đến cơ sở đóng gói, xuất khẩu.

"Với mặt hàng ớt xuất khẩu đi Malaysia, Cục đã có văn bản gửi lại Malaysia và hướng dẫn cho các tỉnh, doanh nghiệp để triển khai nội dung này. Chúng tôi hi vọng trong thời gian ngắn sắp tới, mặt hàng khoai lang và ớt của Việt Nam sẽ được xuất khẩu trở lại sang Trung Quốc và Malaysia" - bà Hương chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm