Tìm giải pháp cứu tôm hùm

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, dịch bệnh trên tôm hùm đã bùng phát thành dịch, hoành hành tại các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Riêng từ tháng 2-2012 đến nay, tại ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định có gần 360.500 con tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt do dịch bệnh, chủ yếu là bệnh sữa, gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng; nhiều gia đình bị trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Trước tình hình đó, đầu tháng 5-2012, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các địa phương, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Trường ĐH Nha Trang, các chuyên gia đầu ngành về thủy sản khẩn cấp tìm giải pháp cứu tôm hùm. Trong đó, mục tiêu trước mắt là đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất để phổ biến cho người dân, nhanh chóng khống chế tình hình dịch bệnh, giúp người nuôi giảm thiểu thiệt hại, cung ứng sản phẩm có chất lượng cho thị trường.

Tìm giải pháp cứu tôm hùm ảnh 1

Tôm hùm bị bệnh chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Ảnh: TẤN LỘC

Theo TS Lê Văn Khoa, Trưởng phòng Thú y thủy sản thuộc Cục Thú y, sau khi thử nghiệm ba phác đồ điều trị tại hai vùng nuôi tôm hùm trọng điểm tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), Cục Thú y xác định phác đồ hiệu quả nhất trong điều trị bệnh sữa tôm hùm là dùng kháng sinh Oxytetracyline 20% pha tỉ lệ 1 ml thuốc với 9 ml nước tiêm trực tiếp vào cơ thể tôm hùm với liều 0,1 ml/100 g tôm, kết hợp bổ sung thuốc bổ để nâng cao sức đề kháng cho tôm. "Khi áp dụng phác đồ này đã loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể tôm" - TS Khoa cho hay. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng khẳng định đây là phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm hiệu quả nhất hiện nay. Thời gian tới, Bộ sẽ cho triển khai rộng rãi phác đồ này để điều trị, dập tắt dịch bệnh trên tôm hùm; đồng thời hỗ trợ việc tiêm phòng cho tôm hùm.

Theo Cục Thú y, trong các đợt dịch bệnh tôm hùm trước đây từng áp dụng tiêm Oxytetracyline 20% cho tôm hùm. Tuy nhiên, người nuôi không mặn mà với phương pháp này do chưa quen với việc tiêm thuốc cho tôm. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết sẽ cho lưu hành rộng rãi loại thuốc này để người nuôi tôm hùm sử dụng. Theo Cục Thú y, vấn đề quan trọng là người dân cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình nuôi, đặc biệt là mật độ nuôi mới có thể khống chế được dịch bệnh.

 TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm