Tìm được nhiều khách ngoại 'sộp' giữa mùa dịch

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đa số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng mới, nên chỉ tập trung khai thác đối tác lâu năm. Thế nhưng vẫn có một số DN nhạy bén trong việc tìm đối tác mới bằng những chiến lược khác nhau và gặt hái quả ngọt.

Ký hợp đồng với ông lớn sau một cuộc họp

Sau gần nửa năm không thể phát triển thị trường do dịch bệnh, mới đây Tập đoàn Vina T&T đã tìm được một đối tác mới tiềm năng tại EU. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T, cho biết với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đơn vị đã tổ chức cuộc gặp trực tuyến với tập đoàn quản lý chuỗi hệ thống siêu thị rất lớn tại Pháp. Sau cuộc gặp gỡ, công ty ông ký hợp đồng xuất khẩu 200 tấn rau quả/tháng sang thị trường này.

Theo ông Tùng, trước cuộc gặp trực tuyến với ông lớn Pháp, công ty đã chuẩn bị hàng mẫu đầy đủ, bố trí phòng họp cẩn thận và gửi trước cho đối tác các loại chứng nhận vùng trồng, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế... Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên Vina T&T ký được hợp đồng khủng đầu tiên qua hình thức online.

“Dịch bệnh khiến các bạn hàng lâu năm của chúng tôi cũng giảm tiêu thụ, muốn kết nối tìm khách hàng mới rất khó. Hiện nay các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đều không có, việc di chuyển là không thể do dịch vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Vì vậy, sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các đại sứ quán, tham tán thực sự rất cần thiết với DN. Qua đó vừa sàng lọc được khách hàng có uy tín, vừa đúng nhu cầu cho DN trong nước” - ông Tùng chia sẻ.

Nhiều công ty khác cũng cho hay đã tìm thêm được khách hàng mới thông qua online hoặc đưa hàng lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế. Đơn cử như hạt điều rang muối của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) đang đứng vị trí số một trong danh sách những sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên sàn TMĐT quốc tế Amazon.

Bên cạnh đó, các sản phẩm khác của công ty này là hạt điều organic rang và hạt điều organic rang muối cũng nằm trong số các mặt hàng bán chạy. Sản phẩm của công ty cũng được khách hàng đánh giá năm sao cùng bình luận tích cực.

Đại diện Lafooco tiết lộ: Thông qua việc bán hàng trên sàn TMĐT Amazon, công ty có thêm nhiều khách hàng mới là các siêu thị và các công ty nhập khẩu tại Mỹ. Trước khi có mặt tại Mỹ, thông qua Amazon, hạt điều Lafooco đã lên kệ tại nhiều siêu thị ở Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, châu Âu…

“Để hạt điều Việt có mặt tại Mỹ, công ty phải hoàn tất nhiều thủ tục theo quy định của Amazon. Bên cạnh đó, sản phẩm phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Mỹ, như có giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Đồng thời phải tuân thủ các điều kiện về tem nhãn, quy trình đóng gói để gửi qua kho hàng của Amazon” - đại diện Lafooco tiết lộ.

Sau cuộc làm việc trực tuyến mới đây, Tập đoàn Vina T&T đã tìm được một đối tác mới tiềm năng tại Pháp. Ảnh: QH

Cách tiếp cận người mua hiệu quả

Công ty IMITI chuyên xuất khẩu đồ gỗ nội thất cũng đã tìm được khách hàng mới tiềm năng nhờ việc bán hàng trên sàn TMĐT Alibaba. Trước đó, DN này cũng tham gia các hội chợ thương mại, tìm kiếm khách hàng qua hiệp hội, diễn đàn ngành hàng… nhưng vẫn không tìm được đối tác thực sự tiềm năng.

Sau đó, IMITI tìm đến Alibaba.com, một kênh TMĐT và vô cùng bất ngờ khi chỉ sau 2-3 tháng đã nhận được đơn hàng đầu tiên từ Úc. Cho đến nay, kênh TMĐT này là một trong những sự lựa chọn tốt, giúp công ty này xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, EU và Úc.

Bà Lã Kim Nhung, Tổng giám đốc IMITI, cho rằng để đạt hiệu quả tối đa khi tìm khách hàng mới trên sàn TMĐT, công ty chia ra ba nhóm hoạt động. Một nhóm phụ trách thiết kế website, hình ảnh sản phẩm, lưu lượng khách hàng, số lượng đơn đặt hàng hằng tháng. Một nhóm chuyên về marketing, đăng sản phẩm, tìm từ khóa thích hợp cho sản phẩm mà người mua hay dùng để tiếp cận người mua hiệu quả nhất. Nhóm còn lại có nhiệm vụ sale, chăm sóc khách hàng và theo dõi đơn hàng.

Vị lãnh đạo công ty này đánh giá dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các DN truyền thống trên toàn thế giới. Trong đợt cao điểm dịch vừa qua, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, phần lớn người mua đều phải làm việc ở nhà, họ thường xuyên tìm kiếm nguồn cung ứng qua mạng Internet. Đáng chú ý, khách hàng đang khám phá những thị trường mới, tìm kiếm địa chỉ cung cấp những sản phẩm chất lượng với giá cạnh tranh.

“Đây là tín hiệu tốt cho các công ty Việt Nam tập trung vào xuất khẩu và tham gia TMĐT - phương thức hiệu quả nhất trong thời kỳ khủng hoảng này” - bà Nhung chia sẻ.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cũng cho hay các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, giao thương trực tuyến và những hình thức hội nghị hybrid (hội nghị trực tiếp và trực tuyến) được thực hiện rất hiệu quả trong năm qua là nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại.

Riêng trong năm 2020, cục đã phối hợp với các UBND tỉnh, TP, các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài tổ chức trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến. Kết quả, có hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn DN Việt Nam được hỗ trợ xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài.

“Hình thức xúc tiến thương mại này đã giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài. Hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản phụ thuộc mùa vụ” - ông Phú nói.

Doanh nghiệp nội bắt tay nhau sản xuất trong mùa dịch

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội DN cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE), cho biết sắp có một lô hàng máy cán tôn xuất khẩu sang Cuba. Việc xuất khẩu này nằm trong chương trình kết nối, hợp tác giữa các DN do HAMEE tổ chức triển khai và thực hiện trong thời gian gần đây.

Lô hàng máy cán tôn sắp được xuất khẩu là kết quả tổng hợp của chuỗi cung ứng giữa các DN trong hội. Cụ thể, động cơ điện và hộp số do Công ty Ngọc Tiên cung cấp, linh kiện điện do Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Etec cung cấp và nhiều công ty khác cung cấp thiết bị thủy lực. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm