Thụy Sĩ ưu tiên dành viện trợ ODA cho Việt Nam

Sau khi dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, nhận lời mời của Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã thăm và làm việc tại Thụy Sĩ từ ngày 2-3/2.

Cùng đi có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện một số bộ, ngành và lãnh đạo một số trường đại học của nước ta. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Hoàng Văn Nhã tham dự các hoạt động của đoàn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gặp và làm việc với Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Doris Leuthard; Bộ trưởng Nội vụ Pascal Couchepin, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ quản lý lĩnh vực giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học Mauro Dell Ambrogio; tiếp Thủ hiến bang Solothurn, ông Klaus Fischer; thăm các trường Đại học Geneva, Đại học Tây Bắc Thụy Sĩ, Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bern, Phái đoàn đại diện thường trực nước ta bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; và gặp gỡ thân mật đại diện cộng đồng Việt kiều tại Thụy Sĩ.

Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Thụy Sĩ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục và hội nhập kinh tế quốc tế; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua, nhất là từ sau chuyến thăm Thụy Sĩ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 2/2007) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin tháng 8/2008. Hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong hai lĩnh vực ưu tiên là kinh tế- thương mại- đầu tư và giáo dục- đào tạo.

Thụy Sĩ khẳng định tiếp tục xếp Việt Nam trong danh sách các nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển (ODA) - khoản viện trợ ODA dành cho Việt Nam trong năm nay tăng 20% so với năm 2008; bày tỏ hài lòng về hiệu quả sử dụng ODA tại Việt Nam; cam kết tiếp tục duy trì ODA cho ta trong thời gian tới, trong đó tập trung hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế "hậu WTO", đồng thời mở ra hợp tác trong các lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và di cư.

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ thương mại-đầu tư song phương đang trên đà tăng trưởng tích cực và tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Thụy Sĩ về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Khu vực mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Leichtentain, với Việt Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa nhóm nước này với Việt Nam; các bên liên quan sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi đề xuất trên ở cấp chuyên viên trong thời gian tới.

Trong bối cảnh lượng khách du lịch và doanh nghiệp Thụy Sĩ đến Việt Nam ngày càng tăng (hơn 20.000 khách trong năm 2008), bạn đã đề nghị xem xét khả năng thành lập đường hàng không trực tiếp giữa hai nước.

Phía Thụy Sĩ nhất trí tăng cường hợp tác giáo dục- đào tạo với Việt Nam, tập trung ưu tiên những lĩnh vực bạn có thế mạnh như du lịch, tài chính-ngân hàng và một số ngành công nghệ cao (năng lượng hạt nhân, công nghệ nano); cam kết hỗ trợ đào tạo từ 10-15 tiến sĩ/năm cho Việt Nam (trong đó có 2-3 suất học bổng toàn phần); tạo điều kiện để các trường đại học của hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hai bên cũng nhất trí tiến hành thảo luận xây dựng Chương trình hợp tác giáo dục-đào tạo cấp chính phủ giai đoạn 2012-2015. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác với các trường đại học của Thụy Sĩ.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai bộ Ngoại giao. Nhân dịp này, Việt Nam và Thụy Sĩ đã ký tắt Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao./.

TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm