Thượng nghị sỹ Mỹ phản đối kiểm soát cá da trơn

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể ở Thượng viện về dự luật, Thượng nghị sỹ John McCain đã phản đối mạnh mẽ các điều khoản bổ sung được đưa vào dự luật dài hơn 1.000 trang này.

Ông McCain nêu 10 nội dung bổ sung vào dự luật mà ông gọi là các "sai phạm tồi tệ nhất", trong đó có điều khoản đòi hỏi phải đưa chương trình kiểm soát cá da trơn vào dự luật, nằm trong quyền hạn của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Thượng nghị sỹ McCain cho biết chương trình kiểm soát cá da trơn sẽ tiêu tốn 30 triệu USD ban đầu để thành lập một văn phòng và mỗi năm 14 triệu USD chi phí hoạt động, trong khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đã và đang làm tốt chức năng đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này.

Ông cho rằng điều khoản sửa đổi đưa vào dự luật này chỉ là một hành động nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ trước hàng nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác.

Nghị sỹ McCain tuyên bố không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng trong nước bị các nông dân nuôi cá ở miền Nam nước Mỹ lừa dối.

Ông điểm lại các hành động có tính bảo hộ đối với cá da trơn nội địa của Mỹ.

Ông dẫn chứng cảnh báo của các chuyên gia thương mại rằng Việt Nam có chứng cứ cực kỳ thuyết phục rằng việc xây dựng Văn phòng kiểm soát cá da trơn này là một hành vi vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông cũng cho rằng hành động này "khiến thị trường xuất khẩu của Mỹ tại Việt Nam và Trung Quốc có trị giá 20 tỷ USD có nguy cơ bị ảnh hưởng".

Thượng nghị sỹ McCain nói: "Văn phòng kiểm soát cá da trơn này không vì lợi ích an toàn thực phẩm. Mục đích thực sự của nó là dựng lên rào cản thương mại chống lại nhập khẩu cá da trơn châu Á để hỗ trợ ngành công nghiệp cá da trơn trong nước và khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho cá da trơn của họ."

Trong tuyên bố của mình trước Quốc hội, ông McCain cho biết ông đã đệ trình một điều khoản bổ sung riêng nhằm loại bỏ đề xuất thành lập Văn phòng kiểm soát cá da trơn.

Hiện đã có 13 nghị sỹ Mỹ tuyên bố ủng hộ đề xuất của ông.

(TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm