Thương hiệu quốc gia VN tăng nhưng thua nhiều nước

Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance vừa công bố danh sách 100 quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2017. Theo đó, Việt Nam được xếp ở vị trí số 45 trong 100 nền kinh tế, tăng năm bậc so với năm ngoái.

Trị giá thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 203 tỉ USD, tăng 43% so với mức định giá 141 tỉ USD năm 2016.

Nhờ tăng nhanh cả về thứ hạng lẫn giá trị, Việt Nam lọt danh sách Top 10 quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất.

Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Việt Nam xếp thứ sáu và kém bốn lần so với quốc gia dẫn đầu là Indonesia. Cụ thể, tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu của Việt Nam vẫn thua nhiều nước như Singapore là 464 tỉ USD, Malaysia (489 tỉ USD), Thái Lan (483 tỉ USD), Philippines (466 tỉ USD), Indonesia (845 tỉ USD).

Đứng đầu bảng xếp hạng là Mỹ, đây cũng là quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới đạt 21.055 tỉ USD, song tốc độ tăng trưởng giá trị chỉ đạt 2%.

Xếp thứ hai là Trung Quốc, giá trị thương hiệu quốc gia đạt 10.209 tỉ USD, tăng tới 44% so với năm 2016. Nhật Bản xếp thứ ba với giá trị quốc gia đạt 4.021 tỉ USD. Tiếp theo đó là các nước Anh, Pháp, Canada, Ấn Độ, Ý, Hàn Quốc…

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam so với một số nước trong khu vực. Đơn vị tỉ USD

Có nhiều cách hiểu về thương hiệu quốc gia. Trong đó, chương trình Thương hiệu quốc gia cho rằng thương hiệu quốc gia là: Tập hợp các liên tưởng của cộng đồng về bản sắc và hình ảnh của quốc gia thông qua các đối tượng mà quốc gia đó sở hữu như lịch sử, sự phát triển về kinh tế-xã hội, con người, điều kiện địa lý đặc thù, điểm đến, môi trường kinh doanh, sự vận động và năng động của quốc gia, các giá trị như thân thiện, chất lượng, sáng tạo...

Theo Tổng cục Thống kê, chín tháng năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,41% so với cùng kỳ 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt mức kỷ lục vượt 114.000 doanh nghiệp. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 308,5 tỉ USD.

Tính chung trong 10 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,24 tỉ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ 2016. Đây là những tín hiệu tăng trưởng lớn của Việt Nam trong mắt giới kinh tế thế giới.

Theo Brand Finance, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lên đến 12,5 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm