Thực phẩm sau Tết: “Đội giá” ở chợ lẻ

Một số mặt hàng không những chững giá lại so với ngày Tết mà còn tiếp tục giảm. Tuy nhiên, do tùy theo lượng hàng về nhiều hay ít nên vẫn còn khá nhiều mặt hàng giá tăng và vẫn ở mức cao so với những ngày thường.

Chợ đầu mối giá ổn định nhưng vẫn cao

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết những ngày gần đây lượng hàng hóa về chợ đã ổn định, khoảng 1.800 tấn/đêm. Giá của các loại rau, củ, quả cũng chỉ xê dịch tăng hoặc giảm từ 200 đồng đến 500 đồng/kg. Ngoài Bắc, do ảnh hưởng về thời tiết nên lượng hàng khan hiếm và giá khá cao, còn riêng phía Nam thì lượng hàng từ nguồn Đà Lạt vẫn đảm bảo. Thậm chí giá của một số hàng Tết năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền thì giá một số loại thủy hải sản bán mạnh trong những ngày Tết như cá thu, tôm sú, mực... sau Tết đã giảm trở lại. Cụ thể như cá thu giảm 5.000-15.000 đồng/kg; tôm sú, mực giảm 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số loại trái cây như lê, quýt, bưởi, dưa hấu... qua Tết giá đã giảm 1.000-3.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, một số loại cá nước ngọt thì giá lại tăng lên 2.000-10.000 đồng/kg. Ví như cá điêu hồng hiện giá 32.000 đồng/kg (loại 1), tăng 2.000 đồng/kg; cá rô giá 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cá lóc nuôi giá 31.000 đồng/kg, tăng thêm từ 4.000 đồng/kg; ốc hương do hàng về ít cũng tăng thêm 10.000 đồng/kg, có giá 150.000 đồng/kg...

Đặc biệt, mặt hàng rau, củ, quả do lượng về ít nên giá vẫn tăng 500-1.500 đồng/kg, riêng xà lách tăng 4.000 đồng/kg. Mặt hàng nấm do phục vụ nhu cầu ăn chay nên giá tăng đáng kể, trong đó nấm rơm trắng tăng 8.000 đồng/kg, nấm rơm đen tăng 13.000 đồng/kg.

Giá thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai và một số chợ lẻ so với những ngày giáp Tết cũng đã dần ổn định trở lại. Ngày 30 Tết (âm lịch), giá bán lẻ thịt đùi tại chợ Phạm Văn Hai đã lên tới 100.000 đồng/kg, nạc là 110.000 đồng/kg, ba rọi 100.000 đồng/kg. Hôm qua (16-2), giá bán lẻ tại các chợ đã giảm, thịt đùi xuống còn 60.000 đồng/kg, nạc còn 64.000 đồng/kg, ba rọi 58.000 đồng/kg... Theo ông Nguyễn Xuân Trang - Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai thì giá những ngày Tết cao là do thông tin các đơn vị được trợ giá đã dự trữ khá nhiều hàng phục vụ Tết, vậy nên các tiểu thương không dám lấy hàng về nhiều vào ngày 29 Tết (âm lịch). Tuy nhiên, đến những ngày gần đây thì lượng heo về chợ cũng đã đảm bảo và đây cũng không còn là thời điểm người tiêu dùng cần mua thịt heo nên giá phải giảm lại. Riêng mặt hàng rau ở chợ thì khá khan hiếm vì những nhà bán lẻ vẫn chưa đi bán đều.

Quản lý giá chợ lẻ: Không dễ

Những con số về việc giá thực phẩm giảm nhiệt liên tục được các ban quản lý chợ đầu mối phản ánh. Tuy nhiên, người tiêu dùng hàng ngày đi chợ vẫn phải cắn răng chịu trận bởi những đợt hét giá của các tiểu thương từ chợ lẻ.

Làm một phép so sánh nhỏ về giá cả tại chợ thực phẩm An Đông (quận 5) so với chợ đầu mối Bình Điền thì là cả một sự chênh lệch rất lớn. Cá thu (loại 1) tại chợ Bình Điền có giá 60.000 đồng/kg nhưng tại chợ An Đông đã lên tới 90.000 đồng/kg. Người bán hàng còn giải thích giá 90.000 đồng/kg là do buổi trưa, còn nếu bán buổi sáng thì phải trên 100.000 đồng/kg, bán riêng nạc thì phải với giá 120.000 đồng/kg. Hoặc ví như dưa leo, tại chợ Bình Điền có giá 4.500 đồng/kg thì tại chợ lẻ này đã bị hét lên tới 8.000 đồng/kg, người bán hàng còn cho biết thêm trong những ngày Tết giá còn lên tới 12.000-13.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số mặt hàng rau, củ khác cũng bị đội lên như cải ngọt từ 3.000 đồng/kg đã đội lên thành 6.000 đồng/kg, xà lách xoong từ 6.500 đồng kg lên thành 8.000 đồng/kg, bắp cải 3.500 đồng kg lên thành 5.000 đồng/kg...

Giải thích việc giá tại các chợ lẻ bị đội lên cao, bà Nguyễn Thu Hà, Công ty TNHH Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho rằng do các tiểu thương phải chịu quá nhiều chi phí. Cụ thể như thuế, chi phí vận chuyển, hàng hóa hư hại... Tuy nhiên, cũng theo bà thì việc cộng các chi phí vào giá cả của các tiểu thương lại không thể nới lỏng được. Thậm chí khi thấy hàng từ chợ đầu mối về ít thì ngay sau đó các tiểu thương tại chợ lẻ đã tự động tăng giá lên.

Rõ ràng chênh lệch giá từ chợ đầu mối và chợ lẻ hiện nay là quá cao mà người tiêu dùng lại phải gánh chịu. Chính vì vậy, vấn đề muốn khống chế giá thì chúng ta phải làm từ các chợ lẻ, mà trong đó ban quản lý các chợ phải tham gia theo dõi để giữ được giá, bà Hà cho biết.

Hiện việc niêm yết giá tại các chợ lẻ nhằm kiểm soát và kiềm chế tăng giá hàng tiêu dùng vẫn được một số chợ triển khai. Nhưng thực tế ở một số mặt hàng thực phẩm thì giá cả thay đổi theo từng thời điểm. Có thể sáng tiểu thương bán với giá này nhưng đến chợ trưa và chiều thì giá có thể bán thấp hơn. Vì vậy, việc quản lý cũng như theo dõi niêm yết giá của các tiểu thương là rất khó.

Cơ chế “khẩn cấp” để bình ổn thị trường

Theo Bộ Công thương thì hiện tại Bộ đang nghiên cứu, ban hành một cơ chế “khẩn cấp” để bình ổn thị trường mỗi khi có biến động mạnh do thiên tai, dịch bệnh, khó khăn nguồn cung trong dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, đây không phải là hình thức bù giá hay trợ cấp mà sẽ thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc nhà nước đặt hàng doanh nghiệp. Theo đó, nhà nước sẽ cấp vốn hoặc tạo điều kiện về cơ chế xuất nhập khẩu để doanh nghiệp có điều kiện khai thác quỹ hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường với hướng ưu tiên là bình ổn giá.

HOÀNG TÚ

Miền Trung: Sau Tết giá cả vẫn trên trời

Tết đã qua gần 10 ngày nhưng tại Đà Nẵng, vật giá vẫn leo thang. Đầu tiên là các hàng quán, từ quán bún bình dân cho đến tiệm phở giá cả đều tăng ngùn ngụt. Tô bún chả cá bình dân dọc đường phố tại Đà Nẵng trước Tết giá chỉ 6.000-8.000 đồng/tô, nay nhảy vọt lên 12.000 đồng/tô. Chuyển biến rõ nhất là tại các quán cơm sinh viên bình dân dọc theo các trường đại học ở Đà Nẵng, giá trước Tết chỉ 6.000-7.000 đồng/đĩa, nay đã 10.000 đồng/đĩa.

Mặc dù cá biển không thực sự khan hiếm tại Đà Nẵng nhưng do nhu cầu tiêu thụ cá sau Tết tăng cao nên cá tươi giá tăng chóng mặt. Các loại cá đồng đều tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg. Cá đồng trước Tết là 20.000 đồng/kg, nay tăng lên 35.000 đồng/kg.

Tại Quảng Nam, đắt đỏ nhất vẫn là thịt heo, thịt bò, gà và rau xanh. Một con gà trống tơ 0,8 kg tại chợ Hương An (huyện Quế Sơn) hiện nay là 180.000 đồng/con, trong khi đó trước Tết con gà này giá chỉ 120.000 đồng. Tại Quảng Bình, giá các mặt hàng tươi sống tăng gấp ba lần so với ngày thường. Do ở địa phương này đang xảy ra dịch cúm gia cầm nên tại chợ Đồng Hới, giá một kg thịt gà lên đến 150.000 đồng.

Ở thành phố Huế, giá cả cũng nhích lên so với ngày bình thường. Tại các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự..., các mặt hàng rau quả hết sức khan hiếm. Đặc biệt, giá các loại hoa, trái cây đã tăng gấp đôi vì có nhiều người đi mua đồ cúng lễ đầu năm.

TẤN VŨ - HỮU KHÁ

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm