Thua đau vì đầu tư blue-chip

Vào đầu năm, khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm, anh Tuấn được nhân viên môi giới tư vấn mua một số loại blue-chip trong đó có ACB để bảo toàn vốn và chờ cơ hội tăng giá trong 6 tháng tiếp theo. Thế nhưng, cho đến cuối tháng 6, ACB là khoản đầu tư “ngủ hè” lâu nhất của anh Tuấn và không hề sinh lãi và giá còn giảm hơn cả lúc mua ban đầu.

Nhà đầu tư này bực tức nói với nhân viên môi giới: “Tưởng đầu tư vào blue-chip là ngon, ai dè thế này. Còn không bằng gửi tiết kiệm chứ chưa nói đến đầu tư cổ phiếu”.

Anh Tuấn chỉ là một trong số nhiều nhà đầu tư cá nhân không cảm thấy thành công khi đầu tư vào các loại cổ phiếu được mệnh danh là blue-chip. Chị Hà là một trường hợp tương tự. Mua 7.000 cổ phiếu của một công ty về công nghệ do thấy nhà đầu tư nước ngoài gom hàng, chị bị lỗ chút ít bởi phải bán ra sau 2 tháng "nằm chờ" mà không thấy chứng khoán này lên giá.

Trong các bản phân tích, hầu hết công ty chứng khoán khuyên khách hàng đầu tư theo trường phái giá trị nên chọn blue-chip làm nơi trú ẩn an toàn và có khả năng sinh lời ổn định trong trung và dài hạn khi thị trường có dấu hiệu lình xình. Thế nhưng, không ít nhà đầu tư bỏ tiền vào thì bị lỗ hoặc có chỉ có lời không đáng kể. Ngoài ACB, một số mã chứng khoán khác như STB, FPT, EIB… cũng bị không ít nhà đầu tư đánh giá tương tự như trái phiếu Chính phủ.

Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long cho biết, việc nhà đầu tư cá nhân mua blue-chip và không thu được các kết quả như mong đợi là một thực tế. Điều này xuất phát từ việc họ chỉ muốn nắm giữ từ 5 đến 10 ngày hoặc một vài tháng trong lúc các cổ phiếu này cần thời gian dài hơn để có thể đem lại khả năng sinh lời. “Đây là lý do nhiều nhà đầu tư cá nhân dành mối quan tâm tới các cổ phiếu nhỏ hoặc tầm trung chứ ít khi nhảy vào blue-chip”, chuyên gia này nói.

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty lớn niêm yết tại HOSE thì than thở: “Đúng là nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty chúng tôi và bị lỗ dù kết quả kinh doanh đang rất tốt và tốc độ phát triển đang ở mức cao. Nhưng nhiều giá cổ phiếu tăng thực ra chẳng liên quan mật thiết lắm với kết quả kinh doanh mà do mấy ông “lái tàu, lái xe” (các nhà đầu tư lớn chuyên làm giá cổ phiếu) tạo ra”.

Theo phân tích của một số chuyên gia chứng khoán, các nhà đầu tư bị lỗ hoặc thất vọng khi mua blue-chip là bởi họ nhìn nhận không đúng về đầu tư giá trị. Một cổ phiếu cần khoảng một năm trở lên để chứng minh giá trị nhưng nhà đầu tư lại kỳ vọng nó thể hiện trong vài ngày (ở mức độ tăng giá và sinh lời). Đây là lý do chính tạo ra nỗi thất vọng blue-chip của nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư cũng lâm vào thế kẹt khi khách hàng không mấy mặn mà với chứng chỉ quỹ được niêm yết. Lý do khiến cho giá thị trường thấp hơn tới hơn 50% so với NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ cũng có nguyên nhân từ việc phần lớn các khoản đầu tư cổ phiếu là blue-chip. "Mua blue-chip trên thị trường còn không thấy tăng giá mạnh mà lại mua "cả chùm" trong danh mục thì khó kỳ vọng giá tăng mạnh được", Trần Anh Tuấn - một nhà đầu tư tại Hà Nội nhận xét.

“Chúng tôi cố thuyết phục nhà đầu tư, đó là một danh mục an toàn và sinh lợi ổn định trong dài hạn nhưng chẳng mấy người tin điều đó. Đây là lý do khiến cho kinh doanh tốt mà giá thị trường vẫn lẹt đẹt”, Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ than thở.

Theo Hoàng Ly (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm