Thủ tướng yêu cầu phát triển thương hiệu gạo ngon ST25

Chiều 24-12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. 
Bất chấp khó khăn, nông sản xuất khẩu vẫn đạt 41,25 tỉ USD
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết năm 2020, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, dẫn chứng năm 2020 là năm sản xuất cây ăn quả của tỉnh đạt nhiều thành công lớn. Đặc biệt trong năm, Sơn La đã ghi nhận làn sóng đầu tư, xúc tiến đầu tư của nhiều dự án vào chế biến rau quả.
“Năm nay dù chịu tác động của hạn hán, dịch COVID-19, dịch tả heo châu Phi nhưng khâu sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn vẫn được mùa, được giá. Giá trị hàng xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt 104 triệu USD” - ông Khánh cho biết.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cũng chia sẻ năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt 12,3%, trong đó nông nghiệp đạt 6,7%, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng mùa vải, dù có dịch COVID-19 nhưng nông dân bỏ túi hơn 6.830 tỉ đồng. Vì vậy năm nay Bắc Giang có hơn 6.300 hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020 được coi là một năm thành công của ngành nông nghiệp. Ảnh: TÙNG ĐINH 

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2020 là năm ngành nông nghiệp đối mặt với thách thức chưa từng thấy. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương nên ngành duy trì đà tăng trưởng khá cao.
Theo đó tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,65%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỉ USD; thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Theo đánh giá của Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), trong khi cả thế giới bị khủng hoảng, chuỗi cung ứng bị vỡ vụn thì Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu ra thế giới, nhất là đến châu Phi, Trung Quốc, Philippines và các nước nghèo.

Không được chặt đào rừng về bán

Thủ tướng đưa ra một câu hỏi rất sát với thời sự: Tết này cả nước Việt Nam ăn gì, hoa gì, cây gì, giá cả ra sao? Thủ tướng yêu cầu cần chuẩn bị sẵn kế hoạch cung ứng từ bây giờ. 

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, hoa anh đào, các loài cây khác của núi rừng. Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về TP bán sẽ bị xử lý. 

Phát triển thương hiệu gạo ST25 
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỉ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta. Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất. 
Đặc biệt, đây là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành nông nghiệp. Trong khó khăn cho thấy vai trò sống còn của ngành nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ cho nền kinh tế quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục cao. Năm mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. 
“Tôi rất ấn tượng với những thành quả của xuất khẩu gạo trong năm 2020. Giá gạo Việt Nam còn cao hơn Thái Lan, vượt Ấn Độ, gạo ST25 tiếp tục đoạt giải nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020. Ngành nông nghiệp và các địa phương phải tăng tốc đẩy mạnh thương hiệu loại gạo này” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đánh giá trong một năm bão chồng bão, lũ chồng lũ nhưng Bộ NN&PTNT đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại về người và tài sản.
“Không chỉ bộ trưởng, các đồng chí thứ trưởng, tổng cục trưởng luôn luôn có mặt để lo cho dân... Chưa có bộ nào xông pha trực tiếp như Bộ NN&PTNT” - Thủ tướng biểu dương.

Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu ở Bắc Giang. Ảnh: AN HIỀN

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản được đẩy mạnh, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. “Trong một nhiệm kỳ, 68 nhà máy chế biến đã được xây dựng. Riêng năm 2020 đã làm được 18 nhà máy chế biến với hàng tỉ USD được đầu tư ở khắp mọi miền Trung, Nam, Bắc. Nhiều tập đoàn trong nông nghiệp đã khởi công xây dựng. Nhờ chế biến sâu sẽ khắc phục được tình trạng được mùa rớt giá” - Thủ tướng cho biết.
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn chưa đảm bảo bền vững. Một số mục tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, cơ sở hạ tầng nông nghiệp còn nhiều lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế. 
Thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Dự báo cung cầu vẫn yếu, như dự báo cung cầu giá thịt heo những tháng đầu năm. Tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra. 
Năm 2021, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần tiếp tục tinh thần biến “nguy cơ thành thời cơ”, tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức 3%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phấn đấu đạt 44 tỉ USD.

Chuẩn bị sẵn kịch bản cho ba cuộc khủng hoảng

Sáng 24-12, tại buổi tọa đàm “Nhìn lại một năm vượt khó của ngành nông nghiệp trước đại dịch COVID-19” do báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho rằng năm 2021 cần phải có sẵn kịch bản để ứng phó với ba cuộc khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là cuộc khủng hoảng về thiên tai, dịch bệnh và thị trường.

“Tôi lấy ví dụ, khủng hoảng dịch tả heo châu Phi xảy ra năm 2019 gây thiệt hại rất lớn cho các hộ chăn nuôi và lây lan trên diện rộng, vì ban đầu chúng ta không chủ động xây dựng kịch bản, dẫn đến lúng túng điều hành sản xuất. Do đó, tới đây chúng ta phải chuẩn bị sẵn những kịch bản; hay như đối với các hàng rào kỹ thuật của các nước, chúng ta phải tìm hiểu kỹ những hàng rào đó là gì, giải pháp gì để đáp ứng” - ông Sơn nói.  


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm